Tại buổi họp báo sáng 10-5 đánh dấu kết thúc năm tài chính 2017 của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, tân Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Konaka Tetsuo cho biết doanh nghiệp (DN) tư nhân có thể vay vốn ODA Nhật Bản.
Tân Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Konaka Tetsuo cho biết DNTN có thể vay vốn ODA Nhật Bản
Ông Konaka Tetsuo nhấn mạnh trong nhiệm kỳ công tác, ông mong muốn tìm kiếm thêm các cách thức hợp tác ODA mới. JICA tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác phát triển tập trung vào 3 trụ cột: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị nhà nước.
Theo tân trưởng đại diện, chủ trương này liên quan đến hoạt động tài chính ở nước ngoài của JICA. Các lĩnh vực được ưu tiên cho vay là phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo, chống biến đổi khí hậu. Các DN muốn tiếp cận nguồn vốn ODA của Nhật Bản phải hoạt động trong 3 lĩnh vực này.
Do đối tượng vay là DN tư nhân nên sẽ khác với đối tượng vay là Chính phủ. DN tư nhân nếu hoạt động sản xuất kinh doanh không thuận lợi có thể bị phá sản nên trước khi quyết định có cho một DN vay hay không thì JICA phải xem xét rất cẩn trọng về tiềm lực tài chính của DN đó.
Theo ông, lý do để JICA xem xét cho DN tư nhân vay trong khi các DN này có thể có nhiều nguồn vay từ các tổ chức tài chính khác là do sẽ có một số lĩnh vực đặc thù như trên, cần có yêu cầu kỹ thuật và các yêu cầu chuyên môn khác.
Đặc biệt, hình thức cho vay này không yêu cầu các DN Việt Nam phải liên doanh với các công ty Nhật Bản hoặc sử dụng các nguyên vật liệu của Nhật. Tuy nhiên, nếu DN này có sự gắn kết, phối hợp với DN Nhật Bản sẽ được ưu tiên hơn.
Số tiền có thể cho vay không có giới hạn trần, sàn. Do đó, các DN vừa và nhỏ có thể trở thành đối tượng được vay. Các dự án cho vay này có thể liên kết với các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á).
Quang cảnh buổi họp báo
Cũng theo ông Tetsuo, Việt Nam là 1 trong 2 nước nhận nhiều vốn ODA từ Nhật Bản nhất (cùng với Ấn Độ). Từng làm việc ở Trung Quốc và Ấn Độ, ông Tetsuo cho biết nhu cầu vay vốn ODA của Trung Quốc gần như không còn, còn Ấn Độ đã trả được khá nhiều vốn vay ODA.
Trong năm tài chính 2017, 3 hiệp định đã được ký kết với tổng vốn vay ODA là 61,8 tỉ yen. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân là 105,4 tỉ yen, trong đó giá trị ròng là 53,9 tỉ yen. Về đầu tư tài chính nước ngoài, đã ký kết 1 hợp đồng tài chính mới có giá trị 75 triệu US D. Ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại cho 1 dự án mới với tổng trị giá 1,8 tỉ yen. Ngoài ra, 3 dự án hợp tác kỹ thuật đã hoàn thành, 30 dự án đang triển khai, trong đó có 6 dự án mới.
Về dự án chương trình đề xuất từ các DN tư nhân của Nhật Bản: 21 dự án đã hoàn thành, 34 dự án đang triển khai (trong đó có 12 dự án mới. Bên cạnh đó, 1 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở đã hoàn thành, 29 dự án đang triển khai (trong đó có 12 dự án mới.)
Ông Tetsuo nhấn mạnh vấn đề tồn tại và thách thức lớn trong quá trình triển khai các dự án là việc chậm thanh toán tại các dự án ODA. Chính phủ Nhật Bản cùng với các nhà tài trợ lớn khác đã có các cuộc đối thoại cấp cao với Chính phủ Việt Nam, nhờ đó phân bổ ngân sách năm tài khóa 2018 đã có những chuyển biến rõ rệt. Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đề nghị Việt Nam phân bổ thêm ngân sách cho một số dự án hiện đang thiếu vốn như dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 hay một số dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ quản.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 chưa được Quốc hội phê duyệt. Do vậy, ngân sách 2.860 tỉ đồng (tương đương 14 tỉ yen) dành cho các khoản vay ODA trong năm 2018 của TP HCM chưa bao gồm vốn dành cho đường sắt đô thị. Việc điều chỉnh mức đầu tư sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, TP HCM đã ứng trước tiền ngân sách lần thứ 3 nên việc chậm trễ thanh toán cho nhà thầu đã được giải quyết phần nào. Việc ứng trước lần thứ 4 (khoảng 5 tỉ yen) cũng đã được UBND TP HCM chấp thuận và hy vọng có thể giải quyết được sớm khoản chậm thanh toán 270 triệu yen (tính đến cuối tháng 3-2018).
Ngoài ra, còn chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến các dự án ODA. Các vấn đề chung trong quá trình thực hiện của nhiều dự án ODA (bao gồm dự án vốn vay, viện trợ không hoàn lại, dự án hợp tác kỹ thuật) vẫn là sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ phía các cơ quan Chính phủ Việt Nam, chậm giải phóng mặt bằng…
Bình luận (0)