Ngân hàng Chính sách xã hội vừa sửa đổi, đưa vào áp dụng những điều kiện cho vay gói 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ trả lương cho người lao động theo hướng nới lỏng hơn so với quy định cũ để doanh nghiệp (DN) dễ dàng tiếp cận. Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn không "mặn" với gói hỗ trợ này.
Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa cho biết sau nhiều ngày cân nhắc, anh đã ngưng làm thủ tục vay vốn để trả lương cho công nhân. "Công ty tôi đáp ứng các điều kiện để vay gói 16.000 tỉ đồng vì doanh thu quý I/2020 giảm đến hơn 30%, có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc hơn 1 tháng, cũng không có nợ xấu tại thời điểm ngày 31-12-2019 nhưng hiện nay sản xuất đang trên đà phục hồi, thay vì phải theo đuổi hồ sơ xin vay vốn hỗ trợ mất thời gian, mức hỗ trợ không đáng kể thì dành ưu tiên cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất cho kịp khai thác thị trường cuối năm" - giám đốc này nói.
Trong khi đó, giám đốc một công ty lữ hành chuyên đón khách quốc tế ở TP HCM cho hay từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, đã 3 đợt cho nhân viên nghỉ việc nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nào. "Sau khi tìm hiểu gói vay ưu đãi trả lương cho nhân viên, chúng tôi thấy vẫn quá ít so với nhu cầu của DN vì chỉ được khoảng 1,5 tháng lương tối thiểu/nhân viên. Công sức làm hồ sơ, chờ kết quả tốn nhiều thời gian… nên sau khi xem xét, công ty quyết định tiếp tục cho nhân viên nghỉ thêm" - vị giám đốc này bộc bạch.
Nhiều đơn vị kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thậm chí đóng cửa nhưng lại không muốn tiếp cận các gói hỗ trợ Ảnh: TẤN THẠNH
Thông tin về tình hình hoạt động của các DN trong 10 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) nêu thực trạng chung của các DN là họ "coi như không có" các gói hỗ trợ vay vốn để khắc phục hậu quả của Covid-19 và vay vốn để trả lương cho người lao động. "Không ít trường hợp DN có ý định vay, tìm hiểu thủ tục và được ngân hàng tư vấn không nên vay vốn hỗ trợ. Lý do là nếu tham gia gói hỗ trợ DN sẽ phải chứng minh bị thiệt hại, doanh thu, dòng tiền giảm và sẽ rơi vào nhóm khách hàng rủi ro cao, sẽ khó vay vốn trong các lần tiếp theo. DN sau khi cân nhắc đã chọn rút lui, không tham gia vào các gói vay vốn hỗ trợ vì ngại được ít, mất nhiều" - đại diện Hepza cho hay.
Tính đến giữa tháng 10, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết đã tiếp nhận 746 trường hợp DN được gửi về từ các sở ngành, UBND 24 quận, huyện và từ đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước. Đáng lưu ý, có tới 108 trường hợp DN chưa có hoặc không còn nhu cầu hỗ trợ, 51 trường hợp không đủ điều kiện vay vốn hoặc không thuộc khách hàng mục tiêu của ngân hàng, 90 trường hợp DN được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2 điểm % so với lãi suất đang áp dụng…
Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP HCM đến thời điểm này cho thấy chỉ có khoảng 20 DN lữ hành được hưởng chính sách vay ưu đãi theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay. Có 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện trong 3 tháng. Với chính sách giảm phí và lệ phí, có khoảng 21 DN và 436 hướng dẫn viên du lịch được giảm phí và lệ phí theo chính sách hỗ trợ…
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP, một trong những nhu cầu được hỗ trợ nhất hiện nay của DN là vay trả lương để giữ chân người lao động nhưng hệ thống ngân hàng thời gian qua chưa mang tính linh động, thủ tục khá phức tạp, phải chứng minh mức độ thiệt hại nên DN khó tiếp cận chính sách hỗ trợ DN khắc phục hậu quả dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, nhận định đối với các gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng và 62.000 tỉ đồng, các DN và người lao động trong lĩnh vực du lịch rất khó tiếp cận do những khó khăn về quy trình, thủ tục, điều kiện hồ sơ… Nhiều hướng dẫn viên du lịch hành nghề tự do phải chứng minh không có thu nhập tại TP HCM, rồi phải về quê chứng minh chưa được hưởng hỗ trợ gì nên rất khó khăn. "Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị để các gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ DN thời gian tới dễ tiếp cận với loại hình, ngành nghề DN đang gặp khó khăn" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Bình luận (0)