Ngày 30-10, hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức tại TP HCM.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC, cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất khả năng cân đối dòng tiền…
Số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố mới đây, trong 10 tháng năm 2020, có tới 41.783 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; 30.256 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 13.502 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có gần 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường… Riêng tại TP HCM, hiện vẫn còn khoảng 84% doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn.
Doanh nghiệp và ngân hàng trao đổi thông tin bên lề hội nghị ngày 30-10
"Nguồn vốn có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng dưới tác động của đại dịch, việc tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn. Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019, có tới 35% doanh nghiệp nói khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Đáng lưu ý, doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp" - bà Cao Thị Phi Vân phân tích.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cùng nhìn nhận tiếp cận vốn vẫn là bài toán nan giải hiện nay.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết ngành cơ khí nếu vay vốn trong thời gian quá ngắn sẽ rất khó khấu hao, hoàn vốn và cạnh tranh được. Nhưng, dòng vốn đầu tư từ các quỹ gần như là không có, còn vay ngân hàng cũng không dễ vì thiếu tài sản thế chấp.
Theo ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, ngành gỗ trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay dù dịch bệnh vẫn tăng trưởng khoảng 10%. Để giữ được tốc độ này rất cần đầu tư, cần vốn, kể cả những doanh nghiệp siêu nhỏ, khởi nghiệp… Nhưng khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn thì yêu cầu đầu tiên là phải có tài sản thế chấp hoặc có dự án khả thi mà nhiều doanh nghiệp không đáp ứng, không chứng minh được.
Đại diện nhiều quỹ đầu tư cho biết do đại dịch Covid-19 nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể trực tiếp tới Việt Nam tìm cơ hội nhưng họ vẫn xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong trung dài hạn. Các doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để gọi vốn từ bên ngoài thay vì chỉ vốn vay ngân hàng.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho rằng các ngân hàng đang có hàng loạt chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp.
Làm sao để tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng? Ông Trần Hoài Phương giới thiệu đầu tiên là doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh tốt để ngân hàng "bớt mang tiếng" là đòi tài sản bảo đảm. Phương án kinh doanh hiệu quả, minh bạch thông tin về tài chính từ báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, chất lượng quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực… là những yếu tố để ngân hàng xem xét cho vay, bên cạnh tài sản bảo đảm.
"Ngân hàng không thể cho vay với một doanh nghiệp có vài sổ sách về thuế, kiểm toán và không hiểu rõ tình hình tài chính của công ty mình. Khi minh bạch về thuế, tài chính, doanh nghiệp có thể tốn chi phí hơn nhưng đổi lại sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, từ các quỹ đầu tư" - ông Trần Hoài Phương lập luận.
Bình luận (0)