Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản “kêu cứu” đến Chủ tịch Quốc hội. Câu chuyện khởi nguồn từ ngày 22-11-2016, Quốc hội thông qua danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có “Kinh doanh vàng”.
Không bớt còn thêm thủ tục
VGTA cho biết trước đó, hiệp hội đã có gửi văn bản đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư và đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ và Thường vụ Quốc hội.
Nhưng đến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, VGTA không nhận được bất kỳ văn bản đề nghị góp ý nào từ các cơ quan hữu quan, kể cả các trang web của các bộ, ngành có liên quan cũng không đăng tải dự thảo danh mục này. “Chỉ đến khi Quốc hội thông qua danh mục 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có “kinh doanh vàng” hiệp hội mới biết” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, băn khoăn.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có nguy cơ đóng cửa vì bị liệt vào ngành kinh doanh có điều kiệnẢnh: Tấn Thạnh
Bởi theo ông Nguyễn Thành Long, trước đây chỉ với 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014 gồm kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, cộng thêm những quy định chưa hợp lý của Nghị định 24/NĐ-CP đã cản trở sự phát triển của ngành vàng. Hàng ngàn DN kinh doanh vàng đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động, gây thất thu cho ngân sách nhà nước… Đến nay, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa đổi quy định thêm nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh vàng có điều kiện khác.
Đại diện VGTA cho rằng “kinh doanh vàng” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu… càng khiến ngành vàng và các DN kinh doanh vàng gặp nhiều khó khăn hơn.
“Quy định mới của Luật Đầu tư (sửa đổi) đối với ngành vàng đã siết chặt hơn rất nhiều so với Luật Đầu tư 2014 chứ không nới lỏng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh theo tinh thần Đề án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh của Chính phủ” - ông Nguyễn Thành Long lo lắng.
Thêm nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa
Với hơn 3.000 DN vàng đang hoạt động trên địa bàn TP HCM, việc quy định “kinh doanh vàng” là ngành kinh doanh có điều kiện bao trùm gần như tất cả lĩnh vực trong sản xuất vàng trang sức, kinh doanh vàng miếng đang thật sự khiến DN lo lắng. Hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, các dịch vụ sửa chữa, tân trang vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động bình thường nên việc đưa hoạt động này vào ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn không phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM, cho biết hiện tại các DN trong ngành kinh doanh vàng, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đã gặp nhiều khó khăn do không được vay vốn ngân hàng, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải xin phép… Nay, đến các hoạt động sửa chữa, gia công vàng trang sức cũng bị đưa vào khuôn khổ là ngành kinh doanh có điều kiện lại càng khó cho DN.
“Quy định mới này sẽ tạo ra rất nhiều giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém rất nhiều về thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh cho các DN sản xuất, kinh doanh vàng khi làm các thủ tục hành chính” - ông Nguyễn Thành Long nêu.
Đại diện một DN sản xuất vàng trang sức có tiếng tại TP HCM cũng nhìn nhận nếu siết chặt các điều kiện sản xuất kinh doanh đối với ngành vàng, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất, DN nhỏ phải đóng cửa khi không xin được giấy phép hoặc không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Trong khi đó, theo VGTA, trên thực tế, vàng trang sức mỹ nghệ là hàng hóa thông thường và việc sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của nhà nước. Cơ quan quản lý không nên vì mục tiêu quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ mà đưa hàng hóa này vào danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện bởi sẽ tạo ra cơ chế xin cho không cần thiết, gây nhũng nhiễu DN. Do đó, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị Chủ tịch Quốc hội cho nghiên cứu, xem xét sửa đổi mục 242 (kinh doanh vàng) trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Quốc hội thông qua.
Vàng miếng SJC lại ngược giá thế giới
Cuối ngày 13-12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 36 triệu đồng/lượng, bán ra 36,5 triệu đồng/lượng, tăng 110.000 đồng/lượng so với phiên trước. Trong ngày, có thời điểm giá vàng SJC leo lên mức 36,6 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá mua - bán cũng được các doanh nghiệp nới rộng lên mức 500.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tăng mạnh bất chấp đà suy giảm của giá vàng thế giới khi kim loại quý trên sàn quốc tế dao động trong vùng hẹp quanh mức 1.158 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước. Giá vàng thế giới hiện quy đổi theo tỉ giá niêm yết tương đương khoảng 31,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 4,7 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)