Các nhà đầu tư VN không phá rừng!
Vừa qua mé tây dãy Trường Sơn, chúng tôi đón ngay những cơn dông ngập ngụa nước đầu mùa mưa xứ Lào. Liền kề với những cánh rừng nguyên sinh là ngút ngàn màu xanh những cánh đồng mía đường, caosu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Việt Nam đang chuẩn bị vào mùa khai thác.
Nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Hatxan (đơn vị hành chính tương đương với UBND xã, phường ở Việt Nam ) - nơi mà tổ chức Global Witness đã đặc tả sự bần cùng hoá của người dân vùng dự án thuộc Tập đoàn HAGL. Nhưng chúng tôi không thể tìm đâu ra hình ảnh những “người đàn ông Lào, gầy guộc, đánh độc chiếc quần đùi, ngồi xổm trên khoảnh sân bé xíu trước túp nhà sàn dựng bằng phên nứa... Trước mặt anh là ba con thằn lằn bất động...” như họ nói. Thay vào đó là những dãy nhà mới xây khang trang với kiến trúc truyền thống của người Lào. Dưới những sàn nhà mới này, ôtô du lịch, xe bán tải đỗ choán cả khoảng sân.
Chúng tôi vào nhà, gặp nhóm công nhân đang chia nhau giấy chứng nhận học nghề cạo mủ caosu và sổ công nhân. Tơ (ở bản Hatxan) cho biết: “Chúng tôi được HAGL tuyển làm công nhân, nhưng phải tham gia một khóa học, cấp bằng, sổ công nhân thì mới được vào rừng. Mọi người rất vui, vì giờ đã trở thành công nhân rồi”.
Chúng tôi hỏi, mới làm công nhân sao có tiền sắm ôtô? Theo Tơ cười: “Ồ không, đấy là xe của Khôn Kì, nó làm công nhân nhiều năm nay mới đủ tiền, còn gia đình mình thì chỉ có 2 người thành công nhân. Bây giờ vừa nhận sổ nên thu nhập đủ ăn thôi”. "Thế Hatxan có còn hộ nghèo không? Có ai phải ăn thằn lằn nướng thay cơm không?". Tơ nói: “Còn, nhiều lắm, ở những nhà chưa có người được làm công nhân. Khi chúng tôi chưa làm công nhân cũng thiếu đói như họ. Còn thú rừng, rau suối, cá sông... là thức ăn thường ngày của đồng bào mình rồi. Bây giờ vẫn ăn, làm mồi nhậu”.
Theo Kavon, người dân Lào được tự do vào chặt phá rừng để lấy gỗ hoặc làm rẫy. Nay, 115 hộ đã được HAGL tuyển dụng vào làm công nhân, bỏ làng cũ vào ở khu nhà mới do công ty xây dựng, được ở miễn phí. Riêng gia đình Kavon có 8 người thì đã 4 khẩu làm công nhân, thu nhập 80-100 triệu kíp/năm, không còn lo thiếu đói như xưa.
Kavon dẫn chúng tôi thăm những hộ dân trong số hơn nửa bản Hatxan “nguyên thuỷ” vẫn còn ở nơi cũ để minh chứng rằng họ không hề bị các công ty Việt Nam “cướp đất”. Ngược lại, hầu hết họ đang thiết tha được vào làm công nhân để nâng cao đời sống, nhưng caosu chưa đến tuổi khai thác nên chưa được nhận. Đến bản Huoiphuxay, chúng tôi gặp Khó, anh cho biết đã làm công nhân từ năm 2011, hai con của anh còn nhỏ chưa đi học, vợ vẫn ở nhà làm lúa. Dù ruộng rẫy nhiều, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, gia đình chủ yếu trông vào thu nhập của anh. Ngoài chi tiêu sinh hoạt, còn mua được xe máy và nhiều vật dụng đắt tiền từ tiền lương.
“Nhân danh bảo vệ môi trường để phá hoại”!
Vì là ngày chủ nhật, nên ông Khăm Phăn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu - đã tiếp chúng tôi trên rẫy. Ông rất bức xúc khi chúng tôi hỏi: “Ông nghĩ gì trước những cáo buộc của tổ chức phi chính phủ ở Châu Âu về việc quan chức nhà nước Lào câu kết với doanh nghiệp Việt Nam để phá rừng, cướp đất của dân?” và trả lời: “Khi Tập đoàn HAGL đặt vấn đề thuê đất, tỉnh đã mời 5 cơ quan của các bộ xuống khảo sát thực địa, xác định trên hàng chục nghìn hécta chỉ có một số mảng rừng vài chục hécta có gỗ, nhưng cũng chỉ là gỗ tạp... Vì vậy không thể nói Chính phủ Lào cấu kết, làm ngơ để các doanh nghiệp Việt Nam sang phá rừng được”.
Theo ông Khăm Phăn, đầu những năm 80, chính quyền các tỉnh phối hợp với Bộ Nông Lâm Lào, tiến hành một đợt quy hoạch các loại rừng. “Nhưng vì thiếu nhân lực, thiết bị lẫn công nghệ, nên quy hoạch chỉ mang tính định hướng. Thời điểm đó, khu vực dự án của HAGL quy hoạch là rừng sản xuất. Theo nguyên tắc, rừng sản xuất là rừng kinh doanh, có thể khai thác gỗ và trồng bổ sung hằng năm, không được khai hoang - tức chuyển mục đích sử dụng. Nhưng thực tế, suốt những thập niên 80, 90, các công ty chỉ khai thác gỗ mà không trồng lại, người dân cũng tự do chặt phá làm nương rẫy. Tình trạng này kéo dài nên chỉ còn lại rừng le, cỏ lau, không thể khôi phục được.
“Vậy các dự án đầu tư Việt Nam có đẩy người dân địa phương ông đến bần cùng hóa?”. Trước câu hỏi này, ông Khăm Phăn chia sẻ: “Chúng tôi không thể cứ để dân sống cảnh du canh du cư, không có điện, đường, không được chăm sóc sức khoẻ, học hành... mãi được. Các dự án đầu tư từ Việt Nam đã giúp thay đổi hoàn toàn đời sống người dân. Chúng tôi đang rất vui thì lại bị phá hoại bởi những tổ chức nhân danh bảo vệ rừng, môi trường...”.
Tuy vậy, Tỉnh trưởng Khăm Phăn cũng thừa nhận những “lỗ hổng” quản lý hành chính khiến cho các tổ chức phi chính phủ có kẽ hở, lợi dụng để xuyên tạc. Đến khi HAGL khai hoang, bản đồ lâm nghiệp lập vẫn nguyên từ những năm 80, trong khi thực tế hiện trạng rừng đã khác. Lẽ ra phải lập bản đồ mới, trong đó thể hiện diện tích này không còn là rừng sản xuất, đủ tiêu chí để chuyển mục đích sử dụng”.
Ông Khăm Phăn cũng chỉ ra một số bất cập trong việc thực hiện dự án của Tập đoàn HAGL tại Attapeu, trong đó việc chậm hoàn tất hồ sơ, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ông nói: “Chính phủ chúng tôi coi trọng niềm tin, vì vậy, với các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi thường nói miệng với nhau là cứ làm đi, vừa triển khai, vừa hoàn tất thủ tục... trong khi các dự án chưa thông qua đánh giá tác động môi trường. Kể cả khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán London thì các thủ tục như giấy phép, báo cáo tác động môi trường... HAGL chỉ nói là được Chính phủ Lào đang làm, rồi sẽ có. Tất nhiên, các thủ tục pháp lý đó bây giờ đã hoàn tất, song nói với quốc tế như vậy là không ổn rồi. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm”.
GDP của tỉnh Attapeu tăng từ 13% lên 38% khi có HAGL Tỉnh trưởng Attapeu, ông Khăm Phăn cho biết: GDP của tỉnh Attapeu đã tăng bình quân 13% liên tiếp 3 năm trước. Riêng năm 2012, khi caosu HAGL có thu hoạch mủ, lập tức GDP tỉnh tăng trên 38%. Thu nhập bình quân đầu người từ 600USD năm 2010, đến năm 2012 đã là 1.340USD. Dự kiến đến năm 2014, khi toàn bộ diện tích cao su đưa vào khai thác mủ, HAGL sẽ sử dụng khoảng 20.000 lao động. Nếu tính một lao động nuôi 2 người phụ thuộc thì lúc ấy, các dự án của HAGL đã nuôi sống gần một nửa dân số của tỉnh Attapeu (hiện khoảng 130.000 người). Chưa kể các hoạt động dịch vụ thương mại khác sẽ phát triển theo vùng dự án với mức đầu tư hàng tỉ USD ở vùng đất thưa dân như Attapeu.. |
Bình luận (0)