Bộ Công Thương vừa đề xuất xem xét, bổ sung Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) để cùng Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia. Việc có thêm một “ông lớn” như Vinafood 1 tham gia giao dịch các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung khiến nhiều người băn khoăn.
Chẳng có ích cho người trồng lúa
Theo Bộ Công Thương, do hiện chỉ có Vinafood 2 làm đầu mối tại các thị trường tập trung trọng điểm truyền thống nên cần có thêm Vinafood 1 để chia sẻ khó khăn, tránh ảnh hưởng tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng cấp chính phủ tại các thị trường nói trên.
Ngày 18-9, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ lãnh đạo Vinafood 1 đề nghị phỏng vấn song lãnh đạo Vinafood 1 yêu cầu gửi câu hỏi để xin ý kiến cấp trên và trả lời sau. Trong khi đó, ông Trần Bá Hoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1, cho rằng việc bổ sung Vinafood 1 là khách quan. “Vinafood 1 và Vinafood 2 là 2 tổng công ty lớn của nhà nước, được giao thị trường lớn là có cơ sở. Việc bổ sung Vinafood 1 nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trong nước với DN nước ngoài” - ông Hoàn đánh giá.
Bình luận về điều trên, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển Nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng sự bổ sung Vinafood 1 với lý lẽ đa dạng hóa thành phần đi đàm phán đấu thầu gạo để tăng sức cạnh tranh cho DN sẽ không cải thiện được gì cho người trồng lúa. Nhưng khi đàm phán thắng thầu thì hạn ngạch (quota) phân bổ cho các công ty thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gây nên sự thiếu công bằng cho các DN khác. “Vinafood 1 và Vinafood 2 đều là công ty nhà nước, chỉ khi nào có DN khác nhảy vào tham gia thì mới cải thiện được việc đấu thầu. Thời gian qua, Vinafood 2 đi đàm phán đấu thầu đều bỏ giá thấp, rồi thu mua giá lúa thấp, gây bất lợi cho nông dân” - ông Đệ nói. Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Khi Vinafood 1 tham gia đấu thầu thì chỉ có thêm lợi ích cho tổng công ty này, chẳng lợi gì cho nông dân.
Hôm 27-8, trong đợt đấu thầu bán 500.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam “vượt mặt” các đối thủ, bỏ thầu với giá 460 USD/tấn - mức bỏ thầu thấp nhất - nhưng vẫn không trúng thầu do mức giá trần mà Chính phủ Philippines đưa ra chỉ có 456,6 USD/tấn. Trong vụ bán 800.000 tấn gạo trước đó cho Philippines, Việt Nam đã trúng thầu với giá thấp hơn các đối thủ từ 28-30 USD/tấn. PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ nhận xét: “Vinafood 2 phải rút kinh nghiệm trong việc đi đàm phán bán gạo. Phải giữ uy tín cho hạt gạo Việt Nam. Hai đợt đấu thầu vừa qua đã tạo tiền đề cho Philippines ép giá và cho rằng gạo Việt Nam là gạo dỏm nên mới bán giá thấp. Vì vậy, việc đưa thêm DN vào đoàn đàm phán là hướng đúng nhưng phải cho DN bên ngoài VFA tham gia chứ không phải là Vinafood 1”.
Khó có chuyển biến tốt
Có thêm Vinafood 1 tham gia đàm phán bán gạo thì lợi nhuận của nông dân có tăng lên? Câu trả lời chắc chắn là không vì với cách điều hành thiếu hiệu quả của VFA trong thời gian qua thì dù có thêm đầu mối xuất khẩu cũng chẳng giải quyết được gì. Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, có một “căn bệnh” cố hữu của các công ty thành viên VFA là DN không có chiến lược kinh doanh bài bản, đi đàm phán có hợp đồng rồi mới về gom hàng trong nông dân chứ không chủ động nguồn nguyên liệu. Vì vậy, khi Việt Nam trúng thầu giá thấp thì thiệt thòi nhất là người trồng lúa.
Còn GS-TS Nguyễn Văn Luật thì cho rằng nếu Vinafood 1 và Vinafood 2 có cạnh tranh lẫn nhau thì cũng nên để họ làm nhưng những DN này phải có trách nhiệm với nông dân bằng việc xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm…
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, khẳng định “còn lâu” các DN xuất khẩu gạo mới lo xây dựng vùng nguyên liệu riêng vì họ đã vốn quen “ăn xổi”, vị kỷ. Có thêm Vinafood 1 dẫn tới 2 “ông lớn” này chiếm đến hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo và được VFA trao nhiều đặc quyền đặc lợi thì tình trạng độc quyền trong xuất khẩu gạo là khó tránh...
“Ông lớn” cũng ngậm trái đắng
Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ), cho biết khi Vinafood 1 và Vinafood 2 được cử đi đàm phán thì sẽ được VFA ưu tiên phân bổ 30% tổng lượng gạo trong hợp đồng được ký nhưng dù được ưu tiên thì cũng có lúc “chết”. “Chẳng hạn, đợt trúng thầu 800.000 tấn gạo bán cho Philippines vừa rồi, Vinafood 2 được ưu tiên phân bổ 30%, 70% cho các công ty thành viên VFA nhưng một số DN không chịu nhận nên VFA chỉ phân bổ được 50%, 20% còn lại Vinafood 2 phải “ôm” luôn. Nguyên nhân là vào thời gian này, giá lúa gạo trong nước tăng cao và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc nhiều. Điều đó khiến một số DN không mua được lúa, nếu có thì cũng mua với giá khá cao nên họ không tham gia.
C.Linh
Bình luận (0)