Ngày 21-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Hội nghị đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành, tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn DNNN thời gian qua.
"Bán cảng Quy Nhơn rẻ như cho không"
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong quá trình đổi mới, phát triển DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, từ những bất cập trong cơ chế, chính sách định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị DN đến lựa chọn nhà đầu tư; từ hiệu quả sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tình trạng thất thoát, tham nhũng, công tác cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội nghị ngày 21-11 Ảnh: QUANG HIẾU
Tiếp tục chỉ ra những tồn tại, hạn chế của DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiệu quả, đóng góp của nhiều đơn vị còn chưa tương xứng. Thủ tướng dẫn chứng một số tập đoàn, tổng công ty nhiều năm liền không khởi công hay đầu tư bất cứ dự án nào, trong khi thị trường đang thay đổi từng ngày. Đất nước gần 100 triệu dân nhưng DN chưa tận dụng hết tiềm năng. "DNNN còn thụ động, người ta đi hết rồi mình mới đi. Mình phải đi trước, đằng này mình luôn đi sau cùng" - Thủ tướng nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra các vi phạm trong quá trình CPH từng xảy ra ở Hãng phim Truyện Việt Nam hay cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Đồng thời, khẳng định sẽ xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến vi phạm này. Ông bày tỏ quan điểm không chấp nhận việc bán một cảng lớn mà "như cho không" và cảnh báo tình trạng "sân trước sân sau" vẫn tồn tại. "Có những anh có 12, 13 sân sau, từ nguyên vật liệu, tiêu thụ đủ thứ... Đừng tưởng Thủ tướng không biết việc này".
Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng Thủ tướng nhấn mạnh việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ và của Thủ tướng chưa được nghiêm. Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi CPH, thoái vốn. Nhiều lãnh đạo còn có tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Lợi ích nhóm, tham nhũng trong CPH, thoái vốn vẫn còn xảy ra.
Thay đổi cơ chế đánh giá doanh nghiệp
Trước tiến độ CPH chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra chậm trễ, từ đó có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn. Thủ tướng khẳng định vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng và nêu thực trạng: "Có nhiều cán bộ đứng đầu sắp nghỉ thì làm sơ sơ, anh đang được quy hoạch thì im lặng là vàng".
Thủ tướng cũng chấn chỉnh các DNNN không để các vụ việc thanh tra, kiểm tra, khởi tố vừa qua làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Thừa nhận việc này có tác động đến tâm lý của cán bộ công nhân viên, thậm chí có những đơn vị không tập trung vào sản xuất kinh doanh mà chỉ "bàn tán chuyện cũ, đối phó, lo lắng và sợ trách nhiệm". Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các DNNN phải chấn chỉnh kịp thời để không rớt đà phát triển.
Tham gia "hiến kế" để nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lấy 12 dự án thua lỗ của ngành công thương làm bài học đau xót và cho rằng cần quản lý đầu tư kỹ càng từ khâu trình chủ trương, lập dự án, đấu thầu mua sắm, thi công, hoàn thiện. Ông An đồng tình quan điểm phải có chế độ đãi ngộ hợp lý cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhưng không quá đặt nặng vấn đề này. "Không phải lương cao thì người đứng đầu mới có khát vọng, mà tự bản thân họ phải có khát vọng dám làm, dám chịu trách nhiệm" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng cũng đề xuất nên dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi hơn là mệnh lệnh hành chính trong việc quản lý DNNN. Theo ông, cơ quan quản lý có thể xây dựng hệ thống tín nhiệm để đánh giá DN, tương tự tín nhiệm ngân hàng. Nếu đơn vị có lợi nhuận tốt thì đưa vào danh sách được tự chủ trong mức độ nào đó, còn đơn vị lợi nhuận kém sẽ bị đưa vào diện giám sát.
Doanh nghiệp được xây thang bảng lương
Về các ý kiến đề nghị tăng cường tự chủ về tiền lương cho DNNN, nhà nước chỉ giữ cơ chế lương tối thiểu nhưng có theo dõi chi trả lương theo chức danh đại diện chủ sở hữu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết tinh thần cải cách tiền lương là giao cho DN xây dựng thang bảng lương. Với tư cách chủ sở hữu, nhà nước chỉ khoán tiền lương của người lao động và ban giám đốc gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.
Bình luận (0)