Sau đợt sáp nhập, hợp nhất lần đầu trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 với 9 ngân hàng (NH) được sáp nhập, làn sóng sáp nhập NH đang diễn ra rầm rộ. “Ngòi nổ” đầu tiên là vào cuối tháng 3-2014, khi NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố sẽ sáp nhập NH TMCP Phương Nam về mình.
Làn sóng xin sáp nhập
Tiếp đó, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) hôm 19-4, tờ trình về việc sáp nhập NH TMCP Phát triển Mekong (MDBank) đã được công bố và tiến hành ngay trong năm nay. Dự kiến sau sáp nhập, Maritime Bank sẽ nằm trong tốp 5 NH có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam (hiện vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỉ đồng, còn MDBank là 3.750 tỉ đồng).
Ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Maritime Bank, cho biết 2 NH đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu và đang thực hiện bước phê duyệt về nguyên tắc. Việc sáp nhập sẽ giúp phát huy thế mạnh, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên.
NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng trình ĐHCĐ thông qua chủ trương và ủy quyền cho HĐQT lên phương án sáp nhập với NH khác. Trong tài liệu ĐHCĐ được phát cho cổ đông hôm 18-4, HĐQT xin cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập PGBank với một NH khác và ủy quyền cho HĐQT triển khai nghiên cứu xây dựng đề án khả thi, thực hiện các thủ tục cần thiết để xin phép cơ quan chức năng thông qua đề án sáp nhập, hợp nhất.
PGBank cho biết phương án tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và yêu cầu của Thủ tướng về giảm tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex tại NH xuống 20% trong năm 2015. Tại ĐHCĐ, lãnh đạo NH này thừa nhận PGBank yếu quy mô hoạt động nên cần sáp nhập với một NH mạnh hoặc tự tái cơ cấu theo hướng mời cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, một phương án khác là phụ thuộc vào NH Nhà nước cho sáp nhập với một NH nhỏ khác. “Nếu PGBank sáp nhập NH nào đồng nghĩa NH đó được tiếp cận với 15 triệu khách hàng của Petrolimex thông qua 2.000 cửa hàng kinh doanh là tiềm năng rất lớn” - lãnh đạo PGBank nói.
Ngay cả NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một trong những NH lớn tại Việt Nam, gần đây cũng đưa ra dự định “se duyên” với một NH nhỏ có hội sở tại Hà Nội. Dù vậy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình, cho biết vẫn chưa có thông tin gì mới và sẽ trao đổi sau.
NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đánh tiếng về việc sáp nhập với một NH khác… Sau khi sáp nhập thành công NH TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) về mình, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc tham gia tái cấu trúc một công ty tài chính thành đơn vị trực thuộc của NH để tập trung phát triển mảng dịch vụ tiêu dùng…
Tìm đường thoái vốn?
Theo một số cán bộ chủ chốt của Maritime Bank, điều NH nhìn thấy là MDBank đã có sản phẩm dịch vụ khá tốt, chiếm lĩnh thị phần nhất định ở khu vực Tây Nam Bộ. Trong khi đó, Maritime Bank lại muốn phát triển kinh doanh tại khu vực này nên quá trình thương thảo sáp nhập không khó khăn. Đây là sáp nhập tự nguyện chứ không phải xử lý một NH yếu kém.
Đề án sáp nhập MDBank vào Maritime Bank cho thấy tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu sẽ là 1:1. Nhiều ý kiến cổ đông băn khoăn về điều này nhưng một số người trong cuộc lý giải hầu hết cổ đông lớn của MDBank là cá nhân, tổ chức có liên quan đến Maritime Bank, nếu hoán đổi cổ phiếu thấp hơn tỉ lệ 1:1 sẽ bị thiệt thòi.
Liên quan đến việc sáp nhập của PGBank, giới phân tích cho rằng NH này muốn sáp nhập một NH khác là để giải quyết nhanh vấn đề thoái vốn của Petrolimex. Hiện tại, PGBank có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, trong đó Petrolimex nắm giữ 40% vốn điều lệ, tương đương 1.200 tỉ đồng. Nếu sáp nhập PGBank, một NH có vốn điều lệ trên 25.000 tỉ đồng, thì tổng vốn điều lệ của NH sau sáp nhập gần 30.000 tỉ đồng. Khi đó, Petrolimex chỉ còn nắm giữ khoảng 4% vốn điều lệ của NH sau sáp nhập.
Theo các chuyên gia kinh tế, làn sóng sáp nhập các NH thương mại sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm nay theo đề án tái cơ cấu của NH Nhà nước. Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét việc sáp nhập các NH thương mại để tạo thành những NH mạnh hơn là cần thiết. Với quy mô GDP khoảng 180 tỉ USD, hiện Việt Nam đang có quá nhiều NH thương mại (khoảng 33) nên cần sáp nhập, hợp nhất còn 15 NH là phù hợp.
Hơn nữa, vốn điều lệ tối thiểu của một NH là 3.000 tỉ đồng nhưng thực tế con số thật (vốn ròng dựa vào chất lượng tài sản…) đã bị suy giảm rất nhiều do nợ xấu ở nhiều NH thương mại. Các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội tập trung quá nhiều chi nhánh các NH dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy chi phí hoạt động của NH lên cao mà hiệu quả thấp. Do đó, việc sáp nhập các NH để tăng vốn chủ sở hữu, cơ cấu lại mạng lưới để giảm chi phí là cần thiết.
Chưa có sáp nhập bắt buộc
Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đến nay, 8/9 NH thương mại yếu kém đã hoàn thành bước đầu lộ trình tái cơ cấu. Phương án cơ cấu lại của các NH đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NH Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào. Các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của NH Nhà nước đang được tiến hành, giúp hoạt động của các NH này được cải thiện hơn so với trước. Đồng thời, huy động vốn từ dân cư tăng khá, nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý và thu hồi, các vi phạm về tỉ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý và hệ thống quản trị, tổ chức bộ máy, mạng lưới từng bước được củng cố.
Kỳ tới: Lo gánh nặng nợ xấu
Bình luận (0)