Bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế là ngành nông nghiệp đang đói vốn nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này đang sụt giảm, còn doanh nghiệp (DN) lớn trong nước lại ra nước ngoài đầu tư.
Chỉ chiếm 0,5%
Trong khi khái niệm trải thảm đỏ mời nhà đầu tư trở nên quen thuộc khi nhắc đến thu hút vốn FDI thì trong lĩnh vực nông nghiệp lại có diễn biến ngược lại. Các dự án đầu tư vào nông nghiệp ít được hưởng ưu đãi và dòng vốn đang teo dần.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có khoảng 1% dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp được hưởng ưu đãi. Các dự án FDI nông nghiệp chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, còn các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa hầu như chưa thu hút được.
Trong khi lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ FDI đầu tư dài hạn, còn các dự án đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến nông lâm sản, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi lại theo xu hướng thu hồi vốn nhanh. Các dự án trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản chiếm hơn 70% tổng vốn FDI vào nông nghiệp.
Năm 2000, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 15% tổng vốn FDI của cả nước nhưng đến năm 2013, con số này giảm còn 0,5%. Trước đây, Chính phủ đã có đề án kêu gọi FDI đầu tư vào nông nghiệp với mục tiêu đến năm 2015 đạt tỉ lệ 7%-10% vốn đầu tư vào nông nghiệp, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 500-700 triệu USD, tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa đạt được.
Trước thực trạng này, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhưng việc triển khai thực hiện trong thực tế rất chậm. Đến nay, các bộ, ngành và địa phương hầu như chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định để tạo thêm nguồn lực mới cho đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Cần chính sách ưu đãi đồng bộ
Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI vào nông nghiệp sụt giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua không phải vì thiếu tiền. Nguyên nhân cơ bản là chưa có chiến lược thu hút FDI dài hạn với những ưu đãi đủ hấp dẫn, trong khi những hạn chế về cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém và chính sách thiếu nhất quán lại bộc lộ ngày càng rõ.
Bên cạnh đó, các địa phương thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở dòng vốn FDI vào nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đánh giá nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà còn do thủ tục hành chính rườm rà, chi phí đầu tư cao trong khi hệ số sinh lời lại thấp.
Rất nhiều nhà đầu tư phàn nàn dự án bị ách tắc bởi khâu giải phóng mặt bằng chậm và thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt là thủ tục cấp đất. Điều đáng lưu ý là không chỉ nhà đầu tư nước ngoài ngó lơ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng đem vốn sang nước ngoài đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ví dụ như doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.
Để cải thiện tình hình, Bộ NN-PTNT đã có dự thảo đề án tăng cường thu hút và quản lý FDI vào lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo này đang trong quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại chính sách để tạo ra cơ chế ưu đãi hấp dẫn, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, giảm chi phí để thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp.
Bình luận (0)