Theo đó, từ nay đến hết ngày 3-2, trong khoảng thời gian từ 6 – 7 giờ và 21-22 giờ, các xe tải chở hoa tươi về chợ hoa Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ được đi theo lộ trình sau:
Lộ trình 1: đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt – Hải Thượng Lãn Ông – Học Lạc – Hồng Bàng – Phú Thọ - Lạc Long Quân – Tống Văn Trân – chợ hoa Đầm Sen.
Lộ trình 2: đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt – Nguyễn Văn Cừ - Lý Thái Tổ - chợ hoa Hồ Thị Kỷ.
Các xe chở hoa phải đi đúng lộ trình và mục đích, khi đi phải mang theo thông báo này và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường bộ.
Sở Giao thông Vận tải lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các tài xế/nhà xe kịp thời báo cáo về sở để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.
Việc hướng dẫn lộ trình này là một trong những giải pháp của Sở Giao thông Vận tải nhằm giải quyết "đường đi" cho hoa tươi Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung về các chợ đầu mối TP HCM thuận tiện nhất để bảo đảm công tác vận chuyển, kinh doanh thuận lợi cũng như phối hợp với các sở - ngành thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM về việc không để tái diễn cảnh hoa tươi Đà Lạt ùn ứ, không xuống được hàng tại chợ đầu mối, phải đổ bỏ như Tết 2018.
Hoa tươi đổ đống ngày 30 Tết năm rồi
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát TP HCM về việc cung ứng hoa Tết hồi cuối tháng 12-2018, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, phản ánh nhiều nhà vườn trồng hoa Đà Lạt đã thiệt hại nặng trong Tết năm rồi do hoa từ Đà Lạt chở về các chợ đầu mối ở TP HCM như Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen… nhưng không vào được vì kẹt xe, tắc đường. Một số xe không vào chợ được, phải quay trở về Đà Lạt, một số phải đổ bỏ vì đã quá trễ và dội chợ, tiểu thương ở chợ đầu mối từ chối nhận hàng.
Ông Sang cũng kiến nghị TP HCM xem xét bỏ quy định cấm xe tải lưu thông vào những tuyến đường cấm trong những giờ cao điểm để hàng hóa vào chợ đúng giờ.
Mới đây, làm việc với chợ đầu mối Thủ Đức, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên thông tin sở này đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm phòng tránh tình trạng hoa tươi đưa về TP HCM dư thừa, không tiêu thụ hết. Trong đó, phối hợp với sở - ngành TP HCM và tỉnh Lâm Đồng tổ chức kết nối, tiếp xúc giữa thương nhân các chợ hoa và người trồng tại Lâm Đồng, Đồng Tháp để thông tin về nhu cầu thị trường TP và khả năng cung ứng của các địa phương.
Dự kiến dịp Tết, thị trường TP HCM tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 150 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn: chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Trong khi đó, số liệu thống kê của tỉnh Lâm Đồng cho thấy các nhà vườn tại Đà Lạt và vùng trồng hoa lân cận như Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương khá dè dặt trong việc tăng diện tích, sản lượng hoa Tết. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ "sự cố" năm 2018, năm nay, các nhà vườn chủ động hợp tác cung ứng hàng nên không xảy ra tình trạng khan hiếm giả để "kích" giá như Tết Mậu Tuất 2018.
Bình luận (0)