11 tuổi, Don Lam rời quê nhà Nha Trang (Khánh Hòa) theo gia đình sang định cư tại Canada. Lớn lên ở xứ người và thụ hưởng những tinh hoa của một đất nước phát triển, hiện đại nhưng hình bóng quê nhà cứ đau đáu trong anh. “Khi lên 18, cái tuổi được phép tự quyết định về bản thân, tôi đã nghĩ đến việc phải trở về” - Don Lam nhớ lại. Nhưng mãi đến năm 1994, khi đã 27 tuổi, anh mới có cơ hội về Việt Nam.
Đầu tư mạnh ở quê nhà
Khi ấy, Tập đoàn Price Waterhouse Coopers mở văn phòng tại Việt Nam, cần người quản lý và Don Lam được chọn. Một thời gian sau, anh “bén duyên” với Deutsche Bank & Coopers Việt Nam cũng trong vai trò quản lý. Bước ngoặt trong quãng đời kinh doanh tại Việt Nam của Don Lam là vào năm 2003, anh đồng sáng lập Tập đoàn VinaCapital.
Don Lam, CEO VinaCapital
Thời điểm đó, Việt Nam đã có 7 đơn vị quản lý quỹ đầu tư khác khá quy mô, trong khi VinaCapital chỉ là một công ty quản lý với chỉ một quỹ là Vietnam Opportunity Fund (VOF), bắt đầu với số vốn 10 triệu USD. Làm thế nào để đưa VinaCapital đi lên đồng hành với sự phát triển của đất nước, đó là điều Don Lam luôn đau đáu. Phải nỗ lực không ngừng! Anh nghĩ vậy và làm việc chẳng quản ngày đêm, không lùi bước trước bất cứ trở ngại nào. Trong mắt đồng sự và cấp dưới, Don Lam là tấm gương mẫu mực về sự cần mẫn và khát vọng vươn tới.
Tin vào tố chất Việt
Don Lam chia sẻ: “Tôi bắt đầu đồng hành với VinaCapital bằng “triết lý cội nguồn”, rất đơn giản, đậm chất Việt và tôi nghĩ mình đã thành công với triết lý ấy, đó là ưu tiên tuyển dụng người Việt để quản lý, điều hành những công việc chủ chốt ở VinaCapital”. Theo anh, cùng là người Việt với nhau thì hiểu nhau hơn trong lối sống và cách làm việc nên dễ đạt tới thành công.
Về tình hình kinh tế Việt Nam, anh đánh giá: “Kinh tế nước ta đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong tất cả những giai đoạn mà tôi đã từng chứng kiến bởi bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu với mức độ nặng nề và kéo dài. Tuy nhiên, gần đây, tôi nhận thấy nền kinh tế đã bắt đầu có những dấu hiệu tốt hơn. Với một số biện pháp tích cực của Chính phủ và phẩm chất vượt khó của người Việt, tôi tin kinh tế Việt Nam sẽ sớm ổn định”.
Giai đoạn này, theo Don Lam, nhiều CEO đã rút ra được bài học kinh nghiệm bổ ích cho mình. Nếu như trước đây, khi làm kế hoạch cho doanh nghiệp, họ chỉ đưa ra kịch bản thuận lợi và phát triển thì nay, họ đã phải lấy sự thận trọng làm nền tảng, đồng thời phải lường trước những thay đổi vĩ mô của nền kinh tế. “Kinh doanh là phải chịu rủi ro, có khi phải thất bại nhưng điều quan trọng là mình không được từ bỏ, phải biết đứng lên và làm lại. Và tôi luôn nhắc nhở bản thân cũng như nhân viên là đừng bao giờ cho phép mình lặp lại cùng một sai lầm 2 lần trong cuộc đời” - Don Lam nói.
Tấm lòng nhân ái
“Mỗi khi tiếp nhận thông tin về những trẻ em nghèo bị bệnh tim tử vong vì không được phẫu thuật kịp thời hoặc lời kêu gọi giúp đỡ những em bé bị bệnh tim bẩm sinh là tôi cảm thấy day dứt. Là người nắm VCF, tôi sẽ cố gắng dành nhiều tâm sức cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng” - Don Lam tâm sự.
Cứ thế, Don Lam làm việc như một con ong, cần cù góp mật cho đời. “Con ong được ca tụng vì nó làm việc không phải cho chính mình mà cho tất cả”, nhà hiền triết Saint J. Chrysistome đã nói vậy và Don Lam cũng xứng đáng được ngợi khen như thế.
Kỳ tới: Tâm và tầm Võ Quang Huệ
Với những đóng góp cho cộng đồng, năm 2011, Don Lam là một trong số rất ít cá nhân thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. “Tôi rất tự hào nhưng cũng thường trăn trở rằng phải luôn cố gắng để có thể đóng góp nhiều hơn cho quê nhà” - Don Lam nói. |
Bình luận (0)