Tuy nhiên, Việt Nam cam kết giữ ổn định kinh tế vĩ mô và có đầy đủ điều kiện, nguồn lực để thực hiện mục tiêu này.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, các khảo sát gần đây của VCCI cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang trở lại và đặt nhiều kỳ vọng vào môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Có điều, nếu nhìn vào thực trạng của đội ngũ DN Việt Nam, trong khoảng 500.000 DN đang hoạt động thì chỉ gần 2% có quy mô lớn, 2% quy mô vừa và 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Dù khối DN vừa và nhỏ đóng góp gần 49% tăng trưởng GDP nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể lại tạo ra 33% GDP, cho thấy tính chất manh mún, phi chính thức.
“Hình ảnh các DN giống như một đội thuyền thúng đang gặp nhiều thách thức khi ra khơi. DN lớn chỉ chiếm 1,9% là không bình thường và nền kinh tế đang thiếu những DN có tầm nên không tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Lộc nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) là xu thế tất yếu nhưng trong bối cảnh “lực yếu” thì các DN sẽ đuối sức khi bơi ra biển lớn! Những DN còn trụ được có nguy cơ bị thâu tóm. “Ngay công ty chúng tôi cũng đang bị “dòm ngó” bởi nhà đầu tư Mỹ, Thái Lan… Khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA, rất cần có những ngân hàng lớn để hỗ trợ vốn cho DN nhiều hơn” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho nhà đầu tư yên tâm khi đến Việt Nam làm ăn. Việc tham gia các FTA song phương, đa phương sẽ tạo cơ hội lớn cho cộng đồng DN cũng như thách thức, nếu DN vượt qua thách thức sẽ trở thành những DN dẫn đầu. “Chính phủ đang có những chương trình phát triển kinh tế tư nhân và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, cấp phép đầu tư…” - Phó Thủ tướng cho biết.
Bình luận (0)