Cần đánh giá đúng thực trạng
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Kinh tế Phát triển TPCHM, cho rằng điểm tích cực của gói giải pháp vừa thông qua không phải là con số cụ thể thuế được giảm, dãn bao nhiêu mà đối với DN, quan trọng nhất là Chính phủ đã phát những thông điệp rất cụ thể, rõ ràng cho từng giải pháp. Chính phủ đã tuyên bố phải chốt lại ở con số cụ thể 8% lãi suất tiền gửi, nghĩa là Chính phủ đã cân đối được kinh tế vĩ mô; khi đã ổn định được kinh tế vĩ mô thì DN tin tưởng.
Không quá lạc quan, GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân, Phó Khoa Thương mại - Du lịch - Marketing Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết thời gian qua, nhiều giải pháp giải cứu DN đã được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng DN vẫn chết hàng loạt. Vì vậy, chỉ có thể hỗ trợ thiết thực cho DN khi nắm vững, chính xác và đánh giá đúng thực trạng của DN.
Theo GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân, các giải pháp Chính phủ vừa đưa ra là đúng nhưng đi vào áp dụng cụ thể sẽ có nhiều vấn đề. Ví dụ như bất động sản: chủ trương chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội, nếu áp dụng cứng nhắc, chuyển hết như vậy thì sẽ tạo ra những gánh nặng cho mai sau tại các địa phương, đặc biệt 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM. Nhà nước phải có tầm nhìn dài hạn, không chỉ cho riêng nay mai. Một số chủ trương, biện pháp hiện nay được xây dựng trên cơ sở phục vụ quyền lợi cho một số đối tượng nên không mang lại lợi ích chung.
Bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động
Theo các chuyên gia kinh tế, DN - đặc biệt là DN nhỏ và vừa - đang gặp rất nhiều khó khăn cả ở đầu vào và đầu ra. Giá điện vừa tăng 5% cũng gây thêm khó khăn cho DN. DN muốn sống được thì đầu vào và đầu ra phải liên tục luân chuyển nhưng hiện không bán được hàng, tồn kho cao. Muốn “chữa” được bệnh cho DN phải đồng hành với DN: Cơ quan chức năng, nhà khoa học sẽ đến tận nơi để tìm hiểu xem DN đang khó ở chỗ nào, cần tháo gỡ gì; từng khối DN, từng ngành nghề có cách tháo gỡ riêng. Bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro, tích cực xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu… Cụ thể, với ngành sản xuất hàng tiêu dùng, các DN phải nỗ lực tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng và giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Song song đó là xây dựng chuỗi cung ứng, chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng.
Sức mua yếu là chuyện hiển nhiên, muốn mạnh hơn cũng không dễ vì thu nhập của người lao động thấp nên nhiều người phải thắt lưng buộc bụng. Phải nhìn thẳng sự thật là sức mua yếu thì mới giải quyết được vấn đề. Chúng ta đừng tự động viên mình rằng sắp Tết rồi, sức mua sẽ tăng lên nhưng thực tế, Tết mà thu nhập không tăng thì người tiêu dùng sẽ giảm mua sắm.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), cho rằng chỉ có thể giải bài toán tồn kho bằng khơi thông dòng chảy sức mua; mà muốn tăng sức mua thì phải bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động… Vấn đề này chỉ được giải quyết khi có các chính sách đúng đắn của Nhà nước.
Lo thiếu hụt nguồn nhân lực Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, thời gian gần đây, cộng đồng DN dám nói và nói rất thật những khó khăn, vướng mắc của mình khi tiếp xúc với các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu - quản lý kinh tế với hy vọng được giúp sức tháo gỡ, vượt qua khó khăn. Ba tháng trở lại đây, cùng với những tín hiệu tốt từ điều hành kinh tế vĩ mô, DN đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng kinh tế năm 2013. Tuy nhiên, bên cạnh mối lo về vốn, thị trường, nhiều DN cũng đã dự đoán đến việc khủng hoảng nguồn nhân lực bởi đến năm 2014-2015, khi kinh tế khởi sắc trở lại, nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh chắc chắn thiếu hụt. |
Bình luận (0)