Phóng viên: Mục tiêu của ngành du lịch TP HCM năm 2018 là thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế, phấn đấu đạt 8 triệu lượt khách quốc tế và 29 triệu lượt khách nội địa. Ông đánh giá sao về triển vọng du lịch của TP trong năm nay và ngành có đạt được mục tiêu này?
- Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Dựa trên kết quả hoạt động du lịch năm 2017 khi TP HCM đón hơn 6,3 triệu lượt khách quốc tế, năm nay, Sở Du lịch tiếp tục nâng cao hình ảnh điểm đến TP HCM "hấp dẫn - thân thiện - an toàn", thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững. Về số du khách trong nước và quốc tế, ngành du lịch đặt ra từ việc đánh giá năng lực đón khách của TP. Hiện tại, khách đến TP qua nhiều đường. Trong đó, lượng khách đến TP HCM như điểm đến thứ 2, thứ 3 chiếm khoảng 25%-30% nên ngành du lịch đang cố gắng cải thiện, gia tăng lượng khách này.
Công suất các cơ sở lưu trú của TP HCM hiện khoảng 70%-73% nên còn dư địa để đón thêm khách. Ngành du lịch TP sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng năng lực phát triển, hình thành các sản phẩm mới trong nhóm ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, bên cạnh việc nâng cấp chất lượng, nội dung các sản phẩm hiện có.
Khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang có xu hướng ngày càng tăng, trong đó phải kể đến công tác quảng bá, xúc tiến. Do đó, tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam khoảng 30% và TP HCM đặt mục tiêu 22%-25% là vừa phải, trong sức của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, TP HCM vẫn loay hoay tìm sản phẩm du lịch chủ lực, chưa xác định được thế mạnh của mình?
- Không hẳn là vậy. TP HCM đã xác định và phát huy thế mạnh của mình để phục vụ du khách. Nếu không có thế mạnh thì lượng khách đến sẽ không tăng mạnh như thời gian qua. Nhưng ở góc độ nào đó, ngành du lịch TP còn thiếu những sản phẩm, điểm đến chuyên biệt để phục vụ du khách và cần được đầu tư, chứ không phải TP lúng túng, không biết thế mạnh là gì.
Theo tôi, TP HCM có thế mạnh khi là một đô thị trẻ so với các đô thị du lịch khác nhưng mang trong mình những giá trị độc đáo từ lịch sử, kiến trúc và văn hóa, hài hòa giữa cái cũ và cái mới. TP có năng lực về cơ sở lưu trú chất lượng, dịch vụ tốt. Mua sắm cũng là một lợi thế khi TP có nhiều trung tâm mua sắm với dịch vụ, chất lượng tốt nhất cả nước.
Đặc biệt, TP HCM có thế mạnh về ẩm thực. Đây là nơi hội tụ tinh túy văn hóa của ẩm thực với những món ăn ngon nhất. Bốn yếu tố quan trọng nhất khi đi du lịch là ở đâu, chơi gì, sử dụng dịch vụ, thưởng lãm cái gì…, TP HCM đều đáp ứng theo nhu cầu của du khách.
Năm 2017, TP HCM đón hơn 6,3 triệu lượt khách quốc tế Ảnh: Hoàng Triều
Phải chăng TP HCM đang thiếu những sản phẩm đủ tầm, giúp ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ hơn?
- TP HCM là một đô thị đa dạng nên theo tôi, đừng bắt phải có từng sản phẩm chuyên biệt. Chẳng hạn, TP HCM không lợi thế về du lịch biển như Đà Nẵng, Khánh Hòa nhưng du khách từ Sài Gòn chỉ cần đi 100 km là tới thành phố biển Vũng Tàu.
Chiến lược phát triển du lịch TP HCM trong dài hạn đang được triển khai nhưng điều này không có nghĩa những hoạt động đang làm là không có chiến lược. Chúng tôi đang tập trung quảng bá, xúc tiến, nâng chất lượng từng sản phẩm, kiểm tra chất lượng để bảo đảm phục vụ, kết nối nhiều nguồn lực làm du lịch.
TP HCM cũng định hướng theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Đặc biệt, TP đang triển khai 7 chương trình đột phá và khi thực hiện được sẽ là nền tảng rất lớn để giúp du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, khi kẹt xe, ngập nước được giải quyết; nhà ở trên kênh rạch được cải thiện… là cơ sở để du lịch TP bứt phá.
Khuynh hướng của du khách bây giờ là du lịch trải nghiệm. Nếu du khách dành một ngày đi Củ Chi, họ có thể trải nghiệm từ đi canô tốc độ cao đến làm nông dân, đạp xe trong vườn, khám phá địa đạo…
Nhiều người nói ở TP HCM ban đêm không biết chơi gì, ông nghĩ sao?
- Dù không có những chương trình nghệ thuật hoành tráng như các điểm đến nổi tiếng trên thế giới nhưng TP HCM có một không gian đô thị văn hóa, từ ẩm thực đến mua sắm, thưởng lãm các chương trình nghệ thuật ở quy mô vừa phải. Không nơi đâu có nhiều sân khấu sáng đèn như Sài Gòn, từ ca nhạc, hài kịch đến biểu diễn nghệ thuật đường phố…
TP HCM đang tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm để phục vụ du khách quốc tế như: mở rộng phố đi bộ Bùi Viện tại các tuyến đường liền kề Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu và phần còn lại. Các chương trình nghệ thuật đường phố (street show) dự kiến diễn ra suốt năm vào cuối tuần và trong năm nay có thể đưa thêm diễn nhạc nước ở huyện Nhà Bè và chương trình tái hiện "trên bến dưới thuyền"…
Năm 2017, hơn 6,3 triệu lượt du khách quốc tế đến TP HCM là con số khá ấn tượng và mục tiêu năm nay phấn đấu đón 8 triệu lượt. Song, quan trọng hơn là làm sao để du khách ở TP lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn?
- Đúng vậy, ngoài số lượng tăng, có 2 chỉ số quan trọng là thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Đây là 2 điều mà cơ quan quản lý và xúc tiến cần lưu ý, bởi thu hút nhiều du khách nhưng họ đến chỉ "ăn bánh mì, uống nước suối"… sẽ không đem lại nhiều doanh thu và giá trị gia tăng cho ngành du lịch. Do đó, việc đổi mới và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho du khách, để họ có khả năng chi tiêu nhiều hơn là cần thiết.
Mục tiêu của ngành du lịch TP HCM trong năm nay là biến các sự kiện thành sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, giải marathon quốc tế khi được tổ chức thường niên sẽ là sản phẩm du lịch. Vận động viên của 44 nước tham gia và đây là trào lưu du lịch thể thao. Họ đến TP HCM không chỉ tham gia giải chạy marathon mà còn nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm...
Mỗi tháng ít nhất một sự kiện
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, muốn thành sản phẩm du lịch, các sự kiện cần được tổ chức thường xuyên và công bố cho du khách trước ít nhất 6 tháng để công ty du lịch đưa vào tour tuyến.
Đến nay, Sở Du lịch TP HCM đã chốt các sự kiện du lịch năm 2018 từ nửa đầu năm 2017 để lên kế hoạch, chuẩn bị quảng bá, xúc tiến như: giải marathon quốc tế, lễ hội áo dài, hội chợ du lịch quốc tế…., TP HCM phấn đấu mỗi tháng có ít nhất một sự kiện được tổ chức.
Bình luận (0)