Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận định trên thế giới, chưa có quốc gia nào phát triển thành công mà dựa vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Còn ở Việt Nam, nguồn lực lại được ưu tiên cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DNNN và cuối cùng mới đến DNTN. Đó là một trong những lý do khiến DNTN chưa thực sự phát triển.
Cổ phần hóa DNNN phải thực chất
TS Nguyễn Đình Cung đề nghị phải cải cách DNNN để tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư, DN kinh tế tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân cần được bình đẳng để phát triển Ảnh: TẤN THẠNH
Thực chất, đây là sự phân bố lại nguồn lực cho hợp lý, chuyển nguồn vốn sang khu vực tư nhân. Theo các chuyên gia kinh tế, DNNN chỉ chiếm khoảng 0,02% tổng số DN nhưng được tiếp cận gần như toàn bộ nguồn lực của đất nước, bao gồm tất cả nguồn lực quan trọng như đất đai, dầu mỏ, tín dụng, đầu tư công…
"Trước đây, chúng ta xác định tập trung nguồn lực cho các DNNN để trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế. Tuy nhiên, thời thế bây giờ đã đổi, nhiệm vụ dẫn dắt thị trường của các DNNN đã hoàn thiện. Muốn có nền kinh tế thị trường phải đẩy khu vực kinh tế tư nhân mạnh lên và đây là bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng DN của bất kỳ nền kinh tế nào" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đúc kết.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các DN được thực hiện rất chậm. Về lượng, đến tháng 10-2016, cả nước chỉ còn 718 DNNN thuộc 19 ngành, lĩnh vực - giảm rất mạnh so với tổng số 1.369 DNNN hoạt động trong hơn 60 ngành nghề, lĩnh vực tại thời điểm năm 2011. Như vậy, xét về số lượng, đã có hơn 90% DNNN được CPH nhưng chỉ có 8% vốn nhà nước được bán ra thị trường, nhà nước vẫn nắm giữ tới 92% vốn tại các DN cổ phần.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng điều quan trọng nhất khi cơ cấu lại DNNN là sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân. DNTN được tham gia mua cổ phần, có cơ hội để trở thành nhà đầu tư chiến lược của DNNN, góp phần thay đổi cách thức quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước. Quá trình rút lui của DNNN phải là quá trình tiến lên của DNTN để trở thành động lực của nền kinh tế, nếu không sẽ bị các DN FDI thâu tóm.
Thiết lập sự bình đẳng
Dù không có văn bản pháp luật nào quy định "kém" ưu tiên cho DNTN nhưng thực tế lại luôn có sự phân biệt đối xử. Điều này khiến DNTN rất khó tiếp cận đất đai, vốn, thậm chí là thông tin về chính sách.
Một kết quả điều tra của VCCI cho thấy tỉ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNTN chỉ chiếm khoảng 30% trong khi các DN khác tiếp cận lên tới 70%. Nhà nước đang dành nhiều ưu đãi cho các DN lớn, trong đó chủ yếu là DNNN. Một trong những ví dụ điển hình về sự bất bình đẳng trong tiếp cận tín dụng là DNNN được ưu ái, trợ cấp vốn vay còn DNTN bắt buộc phải có thế chấp tài sản.
Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư CIEM, khẳng định nếu DNNN tiếp tục giữ vai trò và nguồn lực quá lớn thì dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân càng hẹp. Cho đến nay, các chính sách pháp luật đều bảo đảm cho người dân, DN được tự do kinh doanh. Như vậy là được bình đẳng gia nhập thị trường nhưng nếu không bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố sản xuất, không cạnh tranh thì quyền tự do kinh doanh vẫn hạn chế.
Ông Thắng cho rằng việc huy động và phân bổ nguồn lực trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như tài nguyên, đất đai, vốn… vẫn còn theo cơ chế hành chính xin - cho. Những lĩnh vực này phải dần chuyển sang cạnh tranh công khai để tạo khả năng tiếp cận cho khu vực kinh tế tư nhân. Sự phát triển kinh tế tư nhân rất phụ thuộc vào việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng như cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng đầu tiên đối với kinh tế tư nhân là sự công bằng. Chỉ khi nhìn vào một DN, chúng ta không phân loại xem đó là DNNN hay DNTN để đưa ra các hành xử, lúc đó DNTN mới thực sự được "cởi trói".
Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái
Đáng lưu ý, sự phân biệt đối xử lại không giảm đi, điều này thể hiện trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đây. Tại báo cáo kết quả điều tra PCI 2016, hơn 38% DN được hỏi vẫn cho biết "tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước, gây khó khăn cho DN", tăng 6% so với năm 2013. Đồng thời, hơn 42% DN đồng ý "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước", tăng 14% so với năm 2013.
Bình luận (0)