Xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, đồng tiền luôn gắn bó với đời sống con người nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển, con người quan niệm về đồng tiền khác nhau.
Tư tưởng Nho giáo thời phong kiến coi khinh tiền bạc. Mạnh Tử nói: “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”, tức là nếu muốn giữ cái đức của con người thì đừng ham giàu, còn nếu làm giàu thì đức nhân sẽ mất. Nói thế bởi trong khuôn phép của Nho giáo, quân tử không được mưu lợi.
Điều đó có thể thấy trong hệ thống đạo đức Khổng giáo, lợi và tài (của cải) bị ném sang một bên, nhường chỗ cho nhân - nghĩa - lễ - trí - tín (ngũ thường). Một thời gian dài bị ảnh hưởng của văn hóa Trung , xã hội Việt Nam cũng có cách nhìn tương tự về tiền bạc; lối hành xử “trọng nghĩa khinh tài” được cho là cao cả, đáng tôn vinh.
Tuy nhiên, khi xã hội đạt đến trình độ cao hơn, vị thế của đồng tiền biến đổi, có thể chi phối hoặc đổi thay hẳn các mối quan hệ. “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” - cái sự vòi vĩnh của quan trên đối với oan gia Vương viên ngoại trong Truyện Kiều chính là miểng gương phản chiếu phần nào bộ mặt của xã hội phong kiến “đa kim ngân phá luật lệ”, như đại thi hào Nguyễn Du đã cảm thán: “Trong tay đã sẵn đồng tiền. Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (Truyện Kiều), để rồi vài chục năm sau đó, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến phải thốt lên chua chát: “Có ba trăm lạng mà xong nhỉ. Đời trước làm quan cũng thế a?”. Đâu chỉ có ở đời trước, hỏi chuyện đời trước chẳng qua là để nói chuyện đương đại mà thôi!
Rồi từ thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản đến xã hội hiện đại, đồng tiền thay thế hầu hết các hình thức giao dịch để làm phương tiện thanh toán thiết yếu.
Trở thành “sợi dây ràng buộc con người với xã hội” (Karl Marx), tiền bạc gia tăng sức mạnh, được con người săn đuổi điên cuồng. Suy cho cùng, ở hầu hết đích đến mà hàng tỉ người trên thế giới đã và đang bươn chải để vươn tới đều có bóng dáng đồng tiền.
Tiền bạc quan trọng là vậy nhưng ăn ở được với nó, không dễ. Nhiều hỷ sự, nhờ có tiền mà thành. Lắm bi kịch, chỉ vì tiền mà nên.
Có thể can dự vào mọi chuyện như vậy nhưng đồng tiền chỉ luôn là phương tiện, chẳng có giá trị gì nếu không được đưa vào lưu thông và tùy biến bởi những người sở hữu nó. Đồng tiền chẳng thể khuynh đảo được nhiều thứ nếu không có bàn tay con người.
Bởi vậy, đồng tiền chỉ có một mặt!
Đó là gương mặt của chủ thể sử dụng nó. Ứng xử với đồng tiền, vì thế, cũng là ứng xử với chính chúng ta.
Bình luận (0)