Từng được kỳ vọng là dự án nông nghiệp công nghệ cao tiên phong của tỉnh Bình Thuận, thế nhưng 4 năm sau ngày khởi công, dự án Trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao rộng 479 ha tại huyện Bắc Bình của Công ty CP Sữa Thông Thuận (Công ty Thông Thuận) chỉ còn lại chuồng bò ngổn ngang với đàn bò gầy ốm.
Có nhà nằm gần dự án trên, bà Nguyễn Thị Lý từng kỳ vọng khi dự án khởi công vào năm 2017 sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng, dự án được hứa hẹn sẽ đầu tư hơn 20.000 con bò sữa, bò thịt công nghệ cao hiện chỉ là đàn bò gần 200 con gầy ốm. "Họ nói sẽ nhập bò sữa từ nước ngoài về, rồi thành lập nhà máy sữa quy mô lắm. Nhưng mấy năm giờ chỉ thấy đàn bò ốm nhom đó thôi à" - bà Lý nói.
Dự án Trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao Công ty Thông Thuận có tổng diện tích quy hoạch ban đầu là 835 ha, với kỳ vọng mở ra hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Trong đó, phần dự án rộng 479 ha được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 3-4-2017.
"Chúng tôi sẽ xây dựng và nuôi khoảng 20.000 con bò sữa, làm nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm về sữa tương đương 150 triệu lít/năm. Chúng tôi dự kiến đầu năm 2019, các sản phẩm về sữa Thông Thuận milk sẽ ra đời" - ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận, đã hứa hẹn như vậy tại lễ khởi công dự án vào tháng 4-2017.
Bò ốm trơ xương tại dự án “nông nghiệp công nghệ cao 3.000 tỉ đồng”
Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án với mức đầu tư "khủng" 3.000 tỉ đồng chỉ còn lại một khối chuồng trại ngổn ngang với gần 200 con bò trơ xương ốm đói. "Sau khi có chủ trương đầu tư dự án, địa phương rất phấn khởi. Nhưng sau một thời gian thì thấy dự án không khả quan. Việc triển khai trồng cỏ chỉ đạt dưới 50 ha, còn một số diện tích đất để trống; đàn bò chỉ khoảng 200 con, việc chăn nuôi bò sữa phát triển kinh tế đến thời điểm này vẫn chưa có hiệu quả" - ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nói.
Không chỉ chậm triển khai hợp phần chăn nuôi mà nhiều thủ tục pháp lý liên quan dự án cũng chưa được chủ đầu tư tuân thủ. "Đến nay đã hơn 4 năm mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục về đất đai và triển khai đầu tư theo tiến độ được phê duyệt. Dự án thuộc trường hợp chậm triển khai theo chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh" - lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình cho biết thêm về dự án này.
Đáng chú ý, ngoài việc lãng phí tài nguyên của địa phương, sau nhiều năm dự án giẫm chân tại chỗ, nhiều diện tích đất của dự án đang bị người dân lấn chiếm, gây áp lực không nhỏ trong việc giải quyết tranh chấp cho địa phương.
Lý giải vì sao dự án khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại Bình Thuận quy mô hàng ngàn tỉ đồng sau 4 năm triển khai gần như "đứng hình", đất đai bị bỏ hoang, chủ đầu tư là Công ty Thông Thuận đổ lỗi do thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực dự án không phù hợp trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Trước khi khởi công, đơn vị này đã thuê tư vấn nước ngoài khảo sát đánh giá về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.
Trước tình trạng rề rà của chủ đầu tư dự án, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định chấm dứt hoạt động của dự án với phần diện tích 479 ha. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, nhà đầu tư đã không triển khai dự án theo đúng chủ trương đầu tư tại Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 3-4-2017. Đồng thời, dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất nhưng nhà đầu tư đã triển khai tác động trên đất là vi phạm pháp luật về đất đai. Đến nay, Công ty Thông Thuận cũng chưa thực hiện ký quỹ cho dự án.
Bình luận (0)