Ngày 21-8, hãng hàng không tư nhân Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) đã đón 2 chiếc thủy phi cơ hiệu Cessna Grand Caravan EX đời mới nhất của Mỹ tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mỗi chiếc giá 3,2 triệu USD (tương đương 67 tỉ đồng) với 12 chỗ ngồi.
Tiềm năng phát triển du lịch lớn
Hai chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay chuyển sân dài gần 15.000 km từ Mỹ, vượt Thái Bình Dương về Hà Nội. Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu, cho biết: Từ ngày 9-9, Hải Âu sẽ cung cấp dịch vụ bay thường lệ và thuê chuyến với thời gian bay 30 phút giữa Hà Nội và vịnh Hạ Long hoặc bay ngắm cảnh 25 phút và 40 phút trên vịnh Hạ Long. Ngoài ra, hãng cũng cung cấp dịch vụ phục vụ sự kiện của các tổ chức, cá nhân, các chuyến bay chuyên dụng cho khách hàng…
Giá vé của chặng bay Hà Nội - Hạ Long hơn 5 triệu đồng/vé, bay ngắm cảnh trên vịnh Hạ Long từ 25-40 phút có giá 5-7 triệu đồng/vé. Dự kiến tháng 12 tới, sau khi nhận máy bay thứ ba, hàng không Hải Âu sẽ mở rộng dịch vụ thủy phi cơ đến các khu vực ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong năm 2015, dịch vụ bay thủy phi cơ sẽ mở rộng ra các nước lân cận.
Với 2 chiếc thủy phi cơ, Hãng Hàng không Hải Âu trở thành doanh nghiệp hàng không chung (khái niệm chỉ tất cả các hoạt động sử dụng phương tiện bay không phải là vận tải hàng không công cộng hoặc không quân tư nhân) đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.
“Các cổ đông của Hải Âu là những công ty du lịch lớn mỗi năm đón hơn 100.000 du khách quốc tế đến Việt Nam. Lĩnh vực hàng không chung ở Việt Nam rất tiềm năng và cần được đầu tư mạnh kèm với các chính sách, quy định phù hợp. Sự phát triển của thủy phi cơ tại Việt Nam hứa hẹn góp phần quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới” - ông Nam nhận xét.
Điều kiện xin phép bay ngặt nghèo
Nhu cầu sử dụng trực thăng và sân bay trực thăng tại Việt Nam rất lớn. Nhiều nhà cao tầng tại TP HCM như tòa tháp Bitexco, cao ốc văn phòng Fideco Tower, Trung tâm Thương mại Diamond Plaza (quận 1), khách sạn Tân Sơn Nhất Sài Gòn (quận Phú Nhuận), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7)… đã có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, các bãi đáp trực thăng này chỉ xây dựng theo thiết kế, chưa được cấp phép cho trực thăng đến và đỗ.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt đã có công văn xin nhập 3 máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn và Công ty CP Đức Khải cũng đề xuất xin nhập 2 máy bay trực thăng...
Từ cuối năm 2011, Công ty CP Hàng không Hành Tinh Xanh bắt đầu xin nhập máy bay trực thăng nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục nhập khẩu. Công ty đang có 4 máy bay trực thăng và 4 máy bay cánh bằng. Theo mục tiêu ban đầu, các loại máy bay sẽ phục vụ hoạt động du lịch, huấn luyện, cứu thương, cho thuê, đào tạo phi công… nhưng hiện chỉ dừng lại ở bay huấn luyện do quy định quá ngặt ngèo.
Như vậy, Việt Nam mới chỉ có 2 máy bay cá nhân và 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bay cứu nạn, cứu hộ, khảo sát là Tổng Công ty Bay trực thăng Việt Nam và Công ty Bay dịch vụ hàng không. Ngay 2 đại gia sở hữu máy bay riêng là bầu Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát) đều phải thuê lại dịch vụ của các hãng hàng không chuyên nghiệp để đỡ tốn kém và đáp ứng được yêu cầu về điều kiện xin phép.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường, khẳng định việc mua và sử dụng máy bay được quy định hết sức chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến vận hành khai thác.
Lô hàng nhập về phải được làm thủ tục hải quan, nộp thuế 30%-35% giá trị hàng mua theo hợp đồng. Đối với loại máy bay không thông dụng, Việt Nam không đủ điều kiện chứng nhận cho phép nhập khẩu, lưu hành trong nước. Nếu là loại máy bay thông dụng đã được sự phê chuẩn của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ thì cấp chứng nhận nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thuận lợi. Đáp ứng được các yêu cầu nói trên, Cục Hàng không sẽ cấp đăng ký quốc tịch và giấy chứng nhận khả phi cho máy bay.
Ông Võ Huy Cường giải thích sau khi nhập máy bay về, doanh nghiệp phải đăng ký hoạt động hàng không chung. Nếu là máy bay cánh bằng sẽ được bay theo các đường hàng không do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho từng chuyến bay, còn máy bay trực thăng bay ở tầm thấp (ngoài đường hàng không) phải hoạt động theo sự quản lý của Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng. Mỗi chuyến bay phải được xin phép và đây là một quy trình hết sức chặt chẽ với rất nhiều điều kiện. “Thực tế, dù vài doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng không với hoạt động bay trực thăng th
Phát triển chưa xứng tầm
Theo ông Lương Hoài Nam, trên thế giới, số lượng máy bay hàng không chung nhiều gấp 18 lần máy bay vận tải công cộng thường lệ. So với các nước trong khu vực, mức độ phát triển hàng không chung của Việt Nam còn thấp.
Đội bay hàng không chung tại Trung Quốc hiện khoảng 1.600 chiếc, Malaysia có hơn 50 chiếc và Indonesia trên 100 chiếc. Trong khi đó, mỗi năm nước ta có hàng trăm chuyến bay y tế chở bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh nhưng đều phải thuê máy bay của nước ngoài.
Nhu cầu bay phục vụ hoạt động đo đạc địa chất, khí tượng thủy văn, kiểm lâm, cứu hỏa, cứu thương... rất lớn nhưng chưa có máy bay phù hợp để đáp ứng.
Bình luận (0)