Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhìn nhận: “Tôi nghe nhiều doanh nghiệp phản ánh sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL na ná nhau, như đờn ca tài tử, ẩm thực… Sự tương đồng giữa các địa phương tạo nên hình ảnh chung của vùng nên chuyện giống nhau là đương nhiên. Tuy nhiên, để có sản phẩm du lịch khác nhau giữa các địa phương là chuyện của những người làm du lịch, doanh nghiệp trong việc đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm”.
Sản phẩm du lịch ở ĐBSCL còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách Ảnh: Ngọc Trinh
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, phản ánh thời gian qua, du lịch ở ĐBSCL là mạnh ai nấy làm và chỉ làm cái dễ nhất như khai thác thế mạnh sông nước, chưa có sản phẩm độc đáo. “Thế nên, du lịch ở đây bao giờ cũng đứng gần chót” - ông Phong nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cho rằng cần có một “nhạc trưởng” điều phối du lịch cho cả vùng. Trong hội thảo về du lịch tổ chức tại Kiên Giang vào năm 2009, một thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết luận sẽ thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL nhưng đến nay, vẫn chưa hình thành.
Theo định hướng phát triển du lịch, đến năm 2020, du lịch Việt Nam cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2030 trở thành quốc gia phát triển du lịch. Thế nhưng, ĐBSCL tích lũy cho đầu tư phát triển du lịch rất ít. Năm năm qua, nguồn vốn dành cho đầu tư hạ tầng du lịch của vùng chưa tới 500 tỉ đồng. “Nhiều năm qua, cả ĐBSCL kêu gọi đầu tư nhưng nguồn lực chỉ tập trung vào Phú Quốc với nguồn vốn huy động gần 10 tỉ USD, các địa phương còn lại không được bao nhiêu. Do đó, Thủ tướng và các bộ ngành cần có cơ chế, chính sách và quan tâm đầu tư hơn nữa cho du lịch ĐBSCL” - ông Phong kiến nghị.
Bình luận (0)