Câu chuyện thời sự về nạn “chặt chém” du khách ở TP Vũng Tàu tiếp tục được phóng viên Báo NLĐ góp phần làm rõ trong chuyến khảo sát hai ngày qua.
“Cắt cổ thượng đế”
Anh Nguyễn Tiến Chương, một khách du lịch đến từ quận 2 - TPHCM, kể: “Tôi vào khách sạn K.D trên đường Thùy Vân lúc 20 giờ, giá niêm yết ở đây là 300.000 đồng/đêm nhưng hôm sau khách sạn “kê” hóa đơn thanh toán tiền phòng lên đến 2,5 triệu đồng. Gia đình tôi đành đi kiếm các nhà nghỉ khác ở Bãi Sau, giá “mềm” hơn nhưng vẫn ở mức cao: 800.000 đồng/phòng 3 người, phòng ngủ mini máy lạnh giá 1,3 - 1,5 triệu đồng...”.
Chưa hết, khi đưa vợ con ra Bãi Sau ăn cơm bình dân, anh Chương tiếp tục bị “chém” 1,7 triệu đồng cho thực đơn gồm 8 con tôm sú nhỏ, dĩa rau xào, 1 tô canh cá dứa...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, anh Chương không phải là nạn nhân duy nhất của du lịch Vũng Tàu, nhất là trong dịp lễ hội ẩm thực quốc tế vừa qua.
Trả lời Báo NLĐ về tình trạng này, ông Vương Quang Cần, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, thừa nhận: “Không tránh khỏi việc cạnh tranh thiếu lành mạnh tại Vũng Tàu vì vào thời cao điểm, số lượt khách đến đây lên đến 10 vạn người/ngày. Sắp tới, chính quyền TP sẽ xúc tiến nhanh việc đầu tư cơ sở hạ tầng bãi biển, quản lý chặt lực lượng chụp ảnh dạo, bán hàng rong, kiểm soát giá, bảo đảm tính trung thực trong kinh doanh...”.
Nạn “chặt chém” du khách cũng xảy ra ở TP Đà Nẵng. Trong lần tiếp xúc với tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP cách đây không lâu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh kêu gọi tiểu thương không được nâng giá bán đối với du khách, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý những trường hợp “chặt chém” du khách ở các chợ.
Tuy nhiên, mỗi khi thấy vắng lực lượng thanh tra là các tiểu thương nâng giá đối với du khách. Ở Khu Du lịch Bà Nà cũng vậy, một que kem giá chỉ 5.000 đồng nhưng tại đây bán 15.000 đồng.
Chèo kéo, phân biệt khách
Một kiểu làm phiền du khách khác đang diễn ra khắp nơi là nạn đeo bám, chèo kéo của cánh hàng rong. Ở Đà Nẵng, mỗi khi có chuyến tàu du lịch quốc tế nào cập cảng Tiên Sa rồi khách được đưa đến nơi tập trung trước Nhà hát Trưng Vương để chia tour tham quan thì liền bị đám đông xe thồ, xích lô và bán hàng rong vây lấy khiến không ít du khách khó chịu, bực dọc!
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bến xe Nguyễn Hoàng và Đại Nội là hai điểm nóng về tình trạng này. Hằng ngày có hàng chục xe du lịch đáp ở Bến xe Nguyễn Hoàng để “đổ” khách vào tham quan Đại Nội. Cứ mỗi lần xe vào là cánh hàng rong túa ra, bao vây, chèo kéo, la hét... Khi du khách ra tới cửa Thượng Tứ, cánh hàng rong vẫn không buông tha.
Ở trước Đại Nội và Ngọ Môn luôn có gần 20 người bán hàng rong chào mời đủ loại sản phẩm khiến du khách rất mệt mỏi và bực tức.
Tại lăng vua Tự Đức cũng vậy, những người bán đồ lưu niệm bám riết lấy khách. Mỗi khi trời mưa, họ nâng giá bán áo mưa lên gấp ba lần. Ở lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, chùa Linh Mụ... cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Quản lý và Bảo vệ - Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết nguyên nhân của nạn chèo kéo du khách là do lợi nhuận quá cao, cánh hàng rong có thể nhận được khoản tiền hoa hồng từ các cửa hàng lên đến 35%.
Cánh hàng rong đeo bám, làm phiền du khách tại trước cổng Đại Nội Huế...Ảnh: QUANG NHẬT
Tình trạng này chưa thể dẹp được do sự phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền các địa phương và trung tâm còn lỏng lẻo. “Mỗi năm, chúng tôi đều chi gần 300 triệu đồng hỗ trợ lực lượng công an và các địa phương để ngăn chặn nạn hàng rong vây bám khách nhưng vẫn không hiệu quả” - ông Nam nói.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được tiếng thanh lịch lại có tình trạng các cửa hàng giày dép, áo quần và khách sạn phân biệt du khách nội và du khách ngoại. Nhiều người đã phản ánh đến phóng viên Báo NLĐ chuyện các hộ kinh doanh chỉ “chuộng” khách Tây.
Chẳng hạn, mới đây một nhóm khách người Việt vào khách sạn mini N.Ng đặt phòng. Khi đi chơi về, họ bị ông chủ khách sạn buộc phải trả phòng với lý do “đã cho khách Tây thuê”.
Tương tự, nhân viên shop A.M (bán giày dép trên đường Lê Lợi) từng “nói khéo” với một khách hàng người Việt là “không có cỡ vừa với ông đâu”, sau đó không thèm tiếp ông khách này. Khi khách chọn được đôi giày vừa chân thì nhân viên nọ cho biết “hàng chỉ trưng bày chứ không bán”. Quá bực, ông khách to tiếng, liền bị một thanh niên bặm trợn (người của shop) nhào đến dọa đánh!
Trộm vặt hoành hành
Phố cổ Hà Nội (thuộc quận Hoàn Kiếm) được xem là “trái tim” của thủ đô nhưng khá bát nháo. Trong dịp 999 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm ngoái, nạn móc túi du khách diễn ra tràn lan. Hiện nay, tuyến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân là những khu vực tập trung nhiều “dân hai ngón” nhất.
...và khu vực chợ Bến Thành – TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm có khá nhiều dịch vụ không khác gì... móc túi. Gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mới đây có một nhóm “nữ quái” chuyên lừa khách du lịch bằng cách cho họ mượn nón, đeo quang gánh kiểu Hà Nội xưa, sau đó đòi tiền... mượn “đạo cụ”.
Tại Văn Miếu thường tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc, sau khi du khách nước ngoài nghe xong vài bản nhạc thì có người tiếp thị CD, VCD với du khách; gần đó đặt một hộp ghi rõ “Tip for Artist” (tiền thưởng cho nghệ sĩ).
Anh Vinh Quang, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Exotisimo, nhận xét: “Nhiều du khách nước ngoài khi đến Hà Nội không được thoải mái lắm với phong cách phục vụ của nhiều nhà hàng vì nhân viên phục vụ thường có thái độ lạnh nhạt với họ...”.
Trong khi đó, nạn trộm cắp tài sản của du khách ở khu vực Bãi Sau cũng đang là vấn đề nan giải ngành du lịch TP Vũng Tàu. Nhiều vụ du khách bị mất tài sản đã diễn ra ở đây khiến Vũng Tàu mất đi sức hấp dẫn vốn có...
Đau lòng!
Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn Du lịch (SPSC Tour), đã thốt lên như vậy về thực trạng du lịch trong nước.
Theo bà Hằng, hiện nay nhiều người kinh doanh dịch vụ du lịch không hề có trách nhiệm với sản phẩm của mình, khiến các hãng lữ hành - đơn vị trung gian bán dịch vụ - bị khách hàng ta thán.
Ngành du lịch đã tổ chức nhiều buổi hội thảo bàn cách nâng cao chất lượng du lịch, chủ yếu là tập trung nâng cấp các dịch vụ nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bức tranh bát nháo ấy vẫn cứ tồn tại như một thách thức của ngành du lịch, trong khi chẳng ai có trách nhiệm giải quyết.
Kể ra nhiều câu chuyện buồn của du lịch trong nước, bà Hằng nói: “Những điều đó làm khách nội địa ngán ngẩm khi đi tour trong nước, khách quốc tế thì chỉ đến một lần rồi không bao giờ trở lại, trong khi tiềm năng du lịch của VN không hề thua các nước trong khu vực.
Trước thực trạng đau lòng này, chúng tôi chỉ biết kêu gọi những người kinh doanh dịch vụ du lịch hãy yêu sản phẩm của mình, nếu không muốn thất nghiệp!”.
X.Hòa |
Bình luận (0)