Bà TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:
Thêm nhiều sản phẩm du lịch mới
Để thu hút du khách trong và ngoài nước, trong 6 tháng cuối năm ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển các mô hình thí điểm; đưa vào tuyến thủy nội địa; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) với các sản phẩm du lịch mới như: dù lượn, vui chơi, giải trí dưới nước... Đặc biệt, Đà Nẵng có nhiều sự kiện lớn đáng chú ý như: đăng cai tổ chức Giải Golf phát triển châu Á - Asian Development tour; lễ hội "Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022";… qua đó mang đến một mùa hè tươi mới, hấp dẫn cho du khách đến thăm Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến, xúc tiến các đường bay quốc tế vào thị trường truyền thống và thị trường mới để thu hút khách quốc tế, như mở lại đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia; mở mới đường bay Ấn Độ; hình thành các liên minh kích cầu, liên minh chuyên khai thác các thị trường quốc tế...
Ông TRẦN VĂN THANH, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định:
Nỗ lực để không lỡ nhịp phục hồi
Ngành du lịch tỉnh đã nỗ lực hành động và thích ứng linh hoạt sau dịch Covid-19, không để lỡ nhịp phục hồi, phát triển hoạt động du lịch. Bức tranh của ngành du lịch Bình Định đã có những gam màu sáng ngay từ đầu năm, khi địa phương tổ chức khai mạc lễ hội du lịch Bình Định năm 2022 với chủ đề "Quy Nhơn - Thiên đường biển"… Đây là tiền đề cho du lịch Bình Định phát triển trở lại trong bình thường mới, kể cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế.
Hiện tại, Bình Định đang huy động nhiều sở, ngành, địa phương cùng chung tay để vực dậy hoạt động du lịch của tỉnh. Bởi du lịch có phục hồi các ngành nghề khác mới phát triển theo. Đây cũng là định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025.
Du khách thăm cố đô Hoa Lư, Ninh Bình Ảnh: TẤN THẠNH
Ông HUỲNH NGỌC TÂM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận:
Bảo đảm an toàn cho du khách
Chúng tôi đang xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn nên đặc biệt chú trọng mục tiêu bảo đảm an toàn cho du khách, nhất là hoạt động vui chơi, tắm biển. Hiện tại, các bãi tắm còn thiếu lực lượng cứu hộ do thời gian qua các cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở quản lý bãi tắm vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã cắt giảm nguồn nhân lực, trong đó có lực lượng cứu hộ.
Để bảo đảm an toàn cho du khách khi đến với Bình Thuận, chúng tôi đang có kế hoạch khoanh vùng những khu vực có nguy cơ đuối nước cao, những nơi có dòng chảy xa bờ, cắm biển cảnh báo cấm để nhân dân và du khách biết. Không phải bãi biển nào cũng tắm được, có những bãi chúng tôi sẽ cấm, khoanh vùng. Chỉ cho tắm ở những nơi xác định an toàn, tập trung nguồn lực để thuận lợi cho việc cứu hộ.
Bà VƯƠNG THỊ HẢI YẾN, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa:
Nhanh nhạy mở cửa du lịch đúng thời điểm
Sở dĩ Thanh Hóa đón được lượng khách lớn, đứng trong tốp đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm là do nhiều yếu tố, trong đó một phần là nhờ tỉnh đã nhanh nhạy mở cửa du lịch đúng thời điểm. Ngay khi Thủ tướng yêu cầu phải mở cửa du lịch ngày 15-3, địa phương đã lập tức lên kế hoạch mở cửa kích cầu du lịch.
Đây là thời điểm mà tỉnh nào đi đầu, tỉnh đó sẽ thắng lợi, vì sau 2 năm dịch Covid-19, nhu cầu đi lại để xả stress của người dân rất lớn. Nhờ mở cửa du lịch sớm nhất nên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Thanh Hóa đã đón lượng khách đổ về đông nhất cả nước, vượt ngoài mong đợi. Năm nay, Thanh Hóa chọn du lịch sự kiện làm điểm, với 50 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức, đặc biệt các lễ hội, văn hóa, giải trí được tổ chức vào những ngày cuối tuần.
Tỉnh cũng đang hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong những năm qua, nhiều tuyến đường hiện đại, kết nối sân bay, các tuyến quốc lộ, các điểm du lịch đã được địa phương đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, để du lịch ngày càng phát triển, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử...
Ông PHẠM MINH NHỰT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa:
Phát huy các gói kích cầu
Ngành du lịch Khánh Hòa bắt đầu phục hồi khá nhanh nhưng cần chú trọng thu hút khách nội địa, cũng như xúc tiến thị trường khách quốc tế. Thời gian qua, các DN lữ hành Khánh Hòa đã lựa chọn nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu, tạo ra các combo trọn gói với giá cả hấp dẫn phù hợp với chất lượng, theo tiêu chí làm hài lòng du khách nội địa khi đến với Nha Trang - Khánh Hòa. Các gói kích cầu này đã và đang phát huy hiệu quả cao nên cần tiếp tục duy trì.
Để tạo đột phá cho ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa phát triển, các DN du lịch cần nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Như kéo dài các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, bảo hiểm xã hội...; có nguồn vốn ưu đãi giúp DN nhanh chóng phục hồi. Đặc biệt, chính sách miễn visa cho du khách từ các nước có tiềm năng du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa sẽ giúp kích thích thị trường quốc tế trở lại.
Việc phục hồi và phát triển du lịch còn cần sự chung tay của người dân, DN, chính quyền và các chính sách mang tính chất lâu dài mới giữ được đà phục hồi. Các DN du lịch cần phát huy thế mạnh du lịch biển đảo, mở các dịch vụ, điểm vui chơi giải trí để thu hút du khách, đồng thời đầu tư thêm các sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh...
Khảo sát nhiều điểm du lịch mới
Nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách, hằng năm Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đều tổ chức đoàn đi khảo sát các điểm du lịch trong vùng. Năm 2022, hiệp hội sẽ khảo sát, thẩm định 36 điểm tại 9 tỉnh, thành ĐBSCL để bình chọn "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2022"...
Tại Cà Mau, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông thu hút sự quan tâm của du khách, thông qua quảng bá qua các kênh. Đồng thời, sẽ tăng cường liên kết hợp tác, mở rộng thị trường du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và thị trường trọng điểm của cả nước. Ngoài ra còn hỗ trợ DN du lịch tổ chức khảo sát, kết nối và phát triển sản phẩm du lịch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-7
Bình luận (0)