Dù mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn ổn định nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các điều kiện để giảm lãi suất đang kém thuận lợi hơn.
Khó giảm lãi suất
Trong báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng năm 2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng nhanh trở lại từ tháng 10-2016, lãi suất của USD gần như chắc chắn tăng vào cuối tháng 12 và lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 0,5% ở các kỳ hạn đang khiến việc giảm lãi suất khó khăn hơn.
Nhu cầu vốn ngắn hạn tăng cao do yếu tố mùa vụ cuối năm cũng đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng so với tháng trước. Mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn trên thị trường này tăng 1-1,6 điểm % so với tháng trước. Lãi suất qua đêm tính đến giữa tháng 11-2016 ở mức 2,02%/năm, tăng 1,64 điểm % so với cùng kỳ tháng trước. Đến đầu tháng 12-2016, lãi suất qua đêm tiếp tục tăng lên 2,77%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của nhiều ngân hàng thương mại đã về sát mức 6%/năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến tỉ giá, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng thị trường ngoại hối trong tháng 11 có sự đột biến chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tác động tâm lý của việc đồng USD tăng giá trên thị trường thế giới. Cụ thể, USD liên tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt, nhất là sau khi có kết quả chính thức bầu cử tổng thống Mỹ. Nhu cầu ngoại tệ cũng tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm. Bằng chứng là tín dụng ngoại tệ đã tăng khá mạnh, lên mức 4,4% tính đến cuối tháng 10-2016, so với mức giảm 9% của cùng kỳ năm ngoái. Phiên giao dịch ngày 7-12, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.124 đồng/USD, tăng nhẹ so với phiên trước. Giá USD trong các ngân hàng sụt giảm khá mạnh, phổ biến quanh mức 22.640 đồng/USD mua vào, 22.720 đồng/USD bán ra.
Cán cân thương mại cả năm được dự báo vẫn thặng dư nên biến động tỉ giá trong tháng 11-2016 chỉ là tạm thời. Dù vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định việc điều hành tỉ giá sắp tới sẽ có một số yếu tố không thuận lợi, như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chắc chắn sẽ tăng lãi suất, một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỉ giá giảm mạnh so với USD, đặc biệt là nhân dân tệ (CNY). Đồng nhân dân tệ đã liên tục giảm giá và lập đáy trong vòng 6 năm qua vào ngày 23-11 ở mức 6,92 CNY/USD, giảm đến 6,63% so với đầu năm. Trong khi đó, riêng tháng 11, đồng euro cũng giảm tới 5,56% và yên Nhật giảm 7,69% so với USD.
Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát thị trường
Liên quan đến những biến động trên thị trường vàng gần đây, chiều 7-12, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng và khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, phân tích chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới từ cuối tháng 11 đến nay có thời điểm lên mức 4,4 triệu đồng/lượng, trong khi chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước và giá vàng thế giới quy đổi (chưa tính phí) chỉ ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng. Khối lượng giao dịch mua bán vàng miếng trong nước vẫn ở mức thấp, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua như trước đây.
Giá vàng thế giới cuối ngày 7-12 biến động quanh mức 1.172 USD/ounce, thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây. Giá vàng SJC cuối ngày ở mức 36,05 triệu đồng/lượng mua vào, 36,45 triệu đồng/lượng bán ra (cao hơn thế giới 4,4 triệu đồng/lượng). Ngân hàng Nhà nước nhận định do trước đây, các doanh nghiệp và người dân đã mua vàng với giá cao chưa muốn bán ra nên giá trong nước dù giảm theo quốc tế nhưng tốc độ chậm hơn.
“Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, có đầy đủ nguồn lực và các công cụ, giải pháp để sẵn sàng can thiệp, ổn định thị trường ngoại tệ và vàng” - ông Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định.
Bình luận (0)