Làm sao để đưa được hàng vào siêu thị và phát triển doanh thu mặt hàng đó để không bị "văng" ra sau 1-3 tháng hiện diện trên quầy kệ luôn là đề tài các doanh nghiệp (DN) quan tâm. Hơn 1.000 DN là nhà cung cấp tiềm năng đã có mặt, trao đổi và được Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) hướng dẫn phát triển bán hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Đây là nội dung của buổi hội thảo do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua.
Luôn có chỗ cho thương hiệu mới
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, khẳng định việc đưa hàng vào các hệ thống phân phối thuộc đơn vị này không hề khó nếu có phương pháp và sự quyết tâm.
"Cả hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op có hơn 35.000 mặt hàng, bình quân mỗi tháng có 1.700 mặt hàng mới đưa vào kinh doanh. Nếu DN chưa có hoặc có ít mã hàng trong đó thì phải xem lại chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì… đã phù hợp chưa" - ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, nhà sản xuất tối ưu hóa hiệu quả từng sản phẩm thì nhà bán lẻ phải tối ưu hóa hiệu quả trên từng diện tích kinh doanh. Diện tích siêu thị có hạn nên khi đưa 1 sản phẩm vào chắc chắn phải bỏ ra 1 sản phẩm không hiệu quả. Saigon Co.op có khoảng 1.700 nhà cung cấp, chưa kể khoảng 300 nhà cung cấp địa phương trong chương trình kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, trong đó có không ít DN quy mô nhỏ và vừa. Tất cả nhà cung cấp này đều "sống" được. Saigon Co.op luôn dành chiết khấu hợp lý và có chính sách hỗ trợ hàng Việt, tạo điều kiện cho nhà cung cấp nhỏ và vừa.
Lãnh đạo Saigon Co.op hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cách thức phát triển bán hàng vào hệ thống Ảnh: Thiên Thư
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng Giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op, lưu ý một số thông tin nhà cung cấp cần chuẩn bị để chào hàng vào siêu thị. "Muốn đưa hàng vào siêu thị, DN cần quan tâm đến công tác nghiên cứu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giám sát, kế hoạch kiểm tra định kỳ, tem nhãn có đúng quy định không; phải chú ý đến hình ảnh sản phẩm; chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi cũng như bộ phận giải quyết thắc mắc của khách hàng" - bà Tuyền nêu kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc Phòng Kinh doanh Saigon Co.op, chỉ ra một thực tế khác là nhà cung cấp thường chỉ quan tâm giá, mong muốn đưa sản phẩm giá tốt nhất đến khách hàng mà quên đến các chương trình khuyến mãi. Vì vậy, khi xây dựng chính sách giá, DN cần cân nhắc đến chương trình khuyến mãi. Hiện các DN lớn rất chú trọng vấn đề này, DN nhỏ và vừa không thể so sánh ngân sách với tập đoàn nước ngoài nhưng trong kinh doanh không nên bỏ qua ngân sách marketing. Có ngân sách này rồi thì phải biết đầu tư vào thời điểm nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Toàn cũng nhắc nhở nhà cung cấp nên có nghiên cứu thị trường để điều chỉnh sản phẩm, thay đổi bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. "Chi phí này không nhỏ nhưng không thể không làm. Ví dụ tiêu thụ mứt truyền thống ngày càng giảm do người tiêu dùng hạn chế ăn ngọt và nhà nước siết chặt an toàn thực phẩm. Nếu DN muốn bán mứt ra thị trường Tết thì phải biết điều đó để có sản phẩm phù hợp" - ông Toàn nêu ví dụ.
Saigon Co.op luôn ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Ảnh: Thiên Thư
Hỗ trợ, hợp tác
Thực tế cho thấy việc tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại càng có ý nghĩa quan trọng với DN trong bối cảnh xã hội mới: người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ở siêu thị, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm mà tin vào sự sàng lọc đầu vào của các nhà bán lẻ. Việc đưa hàng vào siêu thị mang lại nhiều lợi ích cho DN. Bên cạnh lợi ích thấy được về độ phủ thị trường, nhận diện thương hiệu, việc trở thành nhà cung ứng cho các nhà bán lẻ lớn giúp DN nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu cũng như phát triển phong phú thêm nguồn hàng, tạo điều kiện kiểm soát tốt chất lượng. Vấn đề quan trọng nhất để đưa hàng vào siêu thị vẫn là quyết tâm của DN trong việc đầu tư sản xuất.
Trao đổi với lãnh đạo Saigon Co.op, một số DN quan tâm đến diện tích trưng bày, quy hoạch ngành hàng, chính sách thu mua giữa hệ thống Co.opmart và Co.opXtra có gì khác nhau…, ông Nguyễn Thành Nhân cho biết định hướng của Saigon Co.op là tập trung vào ngành hàng thực phẩm tươi sống và công nghệ, thời gian tới sẽ dành nhiều quan tâm hơn nữa cho thực phẩm tươi sống. Co.opXtra là đại siêu thị, diện tích rộng nên số lượng mặt hàng, ngành hàng phong phú hơn so với Co.opmart. Ông Nhân cho biết thêm Saigon Co.op đang tiếp tục cải tiến trưng bày khu vực dành cho ngành hàng may mặc và đồ dùng. "Đối với hàng may mặc, đồ dùng, chúng tôi mong muốn hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp. Nếu nhà cung cấp tự tin là mình kinh doanh tốt thì siêu thị sẽ hợp tác kinh doanh. Sau Tết, chúng tôi sẽ bố trí các ụ trưng bày tại khu vực giày dép với chi phí hợp lý cho các DN nhỏ và vừa tăng thêm diện tích trưng bày, giới thiệu sản phẩm" - ông Nhân cho biết thêm.
Tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dựa trên các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và vệ sinh thực phẩm (nếu đó là sản phẩm thực phẩm). Bên cạnh đó là các vấn đề về giấy tờ thủ tục, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm… Khẩu vị phù hợp với xu hướng tiêu dùng cũng là lợi thế cho DN tiếp cận kệ hàng của siêu thị".
Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Saigon Co.op sẽ phát triển thêm gần 400 điểm bán mới trong năm 2018
Theo kế hoạch, trong năm nay, Saigon Co.op phấn đấu doanh số tăng 10% so với năm 2017; tăng tốc phát triển mạng lưới và mô hình kinh doanh mới với 19 siêu thị Co.opmart, 2 Co.opXtra, 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers và 1 Co.opmart phân khúc cao (finelife) kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Cùng với việc mở rộng mạng lưới phân phối, sẽ tiếp tục xây dựng DN xanh: môi trường siêu thị thân thiện, thương hiệu xanh, đẩy mạnh khai thác kinh doanh các mặt hàng hữu cơ, tối ưu hóa quá trình kinh doanh mới.
Bình luận (0)