Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.800 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022; 46.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15.000 DN rút khỏi thị trường, hầu hết thuộc nhóm DN nhỏ và vừa.
Giảm cả chục tỉ đồng vẫn khó bán
Điều này lý giải vì sao khi nhiều DN, tập đoàn nước ngoài săn quỹ đất lớn để triển khai các KCN hoặc tìm diện tích đất lớn tại các KCN để mở rộng sản xuất thì nhiều DN nhỏ, hộ kinh doanh lại liên tục rao bán cơ sở làm ăn, nhà xưởng, kho chứa vì ngừng sản xuất hoặc không tìm được người thuê. Đặc biệt, theo các chuyên gia, do nhu cầu tất yếu, sự cạnh tranh chuỗi cung ứng, các khu nhà xưởng lớn xuất hiện ngày càng nhiều đã làm cho các kho xưởng nhỏ dần hết đất sống.
Dạo một vòng các khu vực vùng ven TP HCM, chúng tôi ghi nhận nhiều khu nhà xưởng cỡ vừa và nhỏ đang được rao với giá thấp hơn 20% - 40% so với 2 năm trước. Như ông H. rao bán khu nhà xưởng gần 2.000 m2 gồm: 450 m2 đất thổ cư và hơn 1.500 m2 diện tích tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với giá 16 tỉ đồng, trong khi trước đây nhiều người hỏi mua 20-22 tỉ đồng ông không bán vì lúc đó còn làm ăn tốt. Đến nay, do làm ăn kinh doanh khó khăn, các khoản vay đến hạn trả nên ông quyết định đóng cửa xưởng và rao bán để lấy tiền trả nợ ngân hàng vì không gồng nổi số lãi 120 triệu đồng/tháng.
Một cơ sở khác cũng ở huyện Đức Hòa diện tích 5.400 m2 (có 4.000 m2 nhà xưởng, còn lại là đất nông nghiệp) đang được rao bán với giá 23 tỉ đồng, thấp hơn 12 tỉ đồng so với 2 năm trước nhưng vẫn còn có thể thương lượng. Theo giới thiệu của người môi giới, nhà xưởng này nằm gần KCN, đã có giấy phép kinh doanh các ngành: dệt nhuộm, chế chiến hải sản, phân bón…; giấy phép phòng cháy chữa cháy (PCCC) đầy đủ nên rất thuận tiện để làm kho xưởng vệ tinh.
Cùng tình trạng khó khăn, lãnh đạo một DN chuyên sản xuất nhựa ở huyện Đức Hòa cho biết sẽ bán toàn bộ nhà xưởng cộng giấy phép kinh doanh ngành nhựa tái chế diện tích 7.400 m2, với giá khoảng 18-19 tỉ đồng. Nhà xưởng tái chế này có công suất 100.000 tấn/năm, đã có sẵn giấy phép về môi trường, bên mua về có thể bắt tay vào sản xuất, không cần xin phép lại, bởi giấy phép môi trường trong ngành nhựa không dễ xin, quy trình rất lâu và tốn kém.
"Trong ngành này, các tiêu chí liên quan môi trường rất nghiêm ngặt, làm sai rất dễ bị thanh tra, kiểm tra… Trong khi đầu ra sản phẩm ngày càng khó tiêu thụ nên chúng tôi quyết định nghỉ, bán lỗ nhà xưởng để thu hồi vốn" - người này cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các kho bãi, nhà xưởng ở vùng ven TP HCM đang được rao bán rất nhiều, giá rẻ nhưng không dễ tìm người mua trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Một khu nhà xưởng ở tỉnh Long An đang được rao bán
Giá rẻ vì thiếu pháp lý?
Nhận định thực trạng này, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng hoạt động xuất khẩu từ đầu năm giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới các DN nhỏ và vừa. Bởi những DN này đa phần gia công cho các DN lớn, không tự chủ được đầu vào lẫn đầu ra nên khi thị trường khó khăn là những đối tượng bị tổn thương nhất.
"Đơn hàng không còn, chủ các cơ sở gia công phải cắt giảm lao động, đóng cửa, sang nhượng nhà xưởng. Chính vì vậy, chúng ta thấy nhà xưởng cỡ nhỏ thời gian qua rao bán khá nhiều. Tuy nhiên, đa số nhà xưởng này được xây không đúng pháp lý, xây trên đất nông nghiệp, không đúng diện tích… nên việc rao bán càng khó, giá cả giảm rất sâu so với bất động sản thông thường" - ông Quang phân tích.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty VNO, cho rằng sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là sau những vụ việc liên quan cháy nổ, an toàn lao động, các công trình nhà xưởng, cơ sở sản xuất ngoài yếu tố pháp lý còn phải tuân thủ rất nhiều tiêu chuẩn về đất đai (xa khu dân cư, phù hợp quy hoạch là đất sản xuất - kinh doanh…), PCCC, môi trường… Những nhà xưởng được xây tự phát trước đây bị kiểm tra rất kỹ nên không thể làm tiếp được, buộc chủ cũ phải đóng cửa hoặc rao bán.
Theo ông Hải, giá bất động sản nhà xưởng cỡ nhỏ đã giảm sâu nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội cho những ai có nhu cầu làm ăn kinh doanh, có năng lực triển khai làm nhà xưởng nhỏ, vệ tinh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cần cân nhắc những rủi ro về pháp lý, môi trường, PCCC… như đã nói.
Chủ yếu thuê nhà xưởng diện tích lớn
Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills Việt Nam - nhận định với những thương vụ thuê nhà xưởng diện tích lớn gần đây tại Việt Nam cho thấy đã có sự thay đổi trên thị trường khi các DN, nhà đầu tư chủ yếu tìm kiếm những nhà xưởng xây sẵn có diện tích lớn thay vì thuê, mua những cơ sở nhỏ như trước.
Bình luận (0)