Liên tiếp trong nhiều tháng qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai khoan thăm dò thẩm lượng và đưa vào khai thác hàng loạt giếng, mỏ mới.
Bổ sung hàng chục ngàn thùng dầu/ngày
Tính đến hết tháng 8-2014, PVN đã triển khai khoan thăm dò thẩm lượng 21 giếng khoan. Trong tháng 8, đã đưa thêm 1 mỏ mới vào khai thác là mỏ Cendor II thuộc lô PM304 Malaysia. Bốn mỏ đưa vào khai thác trước đó là mỏ Đông Đô thuộc lô 01/97-02/97, mỏ Dừa thuộc lô 12W, mỏ Diamond (lô 01 và 02), mỏ Thăng Long.
Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 8 đạt 2,16 triệu tấn, tính chung 8 tháng đạt 18,25 triệu tấn, vượt 9,2% kế hoạch 8 tháng và bằng 71% kế hoạch năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Giàn khai thác Đông Đô thuộc cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô, nằm trong lô 01-97 và 02-97 đã cho dòng dầu đầu tiên. Đây là dự án do nhà điều hành Lam Sơn JOC (LSJOC), trong đó Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) tham gia 50% và Petronas của Malaysia tham gia 50%, làm chủ đầu tư.
Mỏ Thăng Long cũng thuộc dự án này cũng đã cho dòng dầu đầu tiên. Dự kiến sản lượng đỉnh cho toàn lô 01-97 và 02-97 bao gồm cả 2 mỏ Thăng Long - Đông Đô sẽ khoảng 16.000 thùng/ngày. Sản lượng dầu khai thác từ cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô sẽ góp phần bảo đảm sản lượng chung cho toàn ngành trong năm 2014 và các năm tới. Theo tính toán, đến hết thời hạn PSC (năm 2026), cụm mỏ này sẽ khai thác tổng cộng hơn 40 triệu thùng dầu.
Mỏ Dừa được khai thác bằng hệ thống giếng ngầm, sản phẩm khai thác sẽ được vận chuyển thông qua hệ thống đường ống nội mỏ dài 17 km đến tàu FPSO hiện hữu tại mỏ Chim Sáo. Sau khi giếng đầu tiên được mở, các giếng tiếp theo 1P và 2P cũng sẽ lần lượt được đưa vào khai thác với tổng sản lượng toàn mỏ đạt khoảng 8.000 thùng dầu/ngày.
Dự án khai thác mỏ Dừa và Chim Sáo tại lô 12W có diện tích 1.724 km2 nằm trong bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi biển Vũng Tàu thuộc dự án liên doanh giữa PVN, PVEP và các đối tác nước ngoài gồm Premier Oil Vietnam Offshore B.V. (POVO), Santos, Premier Oil LLC, trong đó POVO là nhà điều hành.
Trước đó, PVN đã tiến hành thăm dò 19 giếng khoan, trong đó 12 giếng đã hoàn thành và 7 giếng đang triển khai thực hiện.
Tiềm năng dầu khí vùng trũng An Châu - Đông Bắc Bộ
Hội thảo khoa học lần thứ hai đã đánh giá kết quả nghiên cứu cấu trúc và tiềm năng dầu khí vùng trũng An Châu giai đoạn I. Theo PVN, vùng trũng An Châu là bể trầm tích trước Đệ tam, nằm trong vùng rừng núi Đông Bắc, thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh với diện tích 10.000 km2.
Trước năm 1954, các nhà địa chất người Pháp đã tiến hành khảo sát sơ bộ vùng này. Trên cơ sở đánh giá nhiều khả năng vùng trũng An Châu hội tụ nhiều điều kiện của một bể trầm tích có triển vọng dầu khí. Từ năm 1978, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô (cũ) cũng tiến hành khảo sát kỹ hơn nhằm tìm kiếm nguồn tài nguyên dầu khí ở nơi này.
Giai đoạn năm 1976 với các tài liệu báo cáo của Đoàn 36C đã phân tích về địa tầng, cấu - kiến tạo và hệ thống dầu khí, nghiên cứu sâu về địa chất thủy văn vùng trũng An Châu. Từ đó đề nghị tìm kiếm dầu khí bằng công trình khoan và địa vật lý nhằm đánh giá triển vọng dầu khí khu vực.
Bên cạnh đó, các bể trầm tích trước Đệ tam ở các khu vực lân cận thuộc nền Hoa Nam gọi là bể trầm tích Thập vạn Đại sơn - Trung Quốc, có cấu trúc địa chất gần tương tự vùng trũng An Châu, đã có những phát hiện dầu khí cả trong móng Paleozoi lẫn trầm tích lớp phủ Mesozoi.
Từ đó PVEP Sông Hồng đã tiến hành khảo sát quy mô, thu thập và phân tích mẫu địa hóa, thạch học, cơ lý… Căn cứ các kết quả nghiên cứu phân tích xác định có thể tồn tại 2 hệ thống dầu khí trong Paleozoi và Mesozoi.
Tại hội thảo, PVEP Sông Hồng cùng các nhà khoa học đã thống nhất phương án tối ưu nhất cho giai đoạn tiếp theo là tiến hành khảo sát địa chấn 2D để có câu trả lời rõ nét về tiềm năng dầu khí của trũng An Châu.
Bình luận (0)