Mới đây, đoạn clip của Tổ chức Bảo vệ động vật Úc ghi cảnh một người dùng búa tạ đập liên tiếp vào đầu một con bò Úc để giết thịt tại Việt Nam đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân của Úc kêu gọi tẩy chay du lịch tại Việt Nam bởi hành động giết mổ gia súc thiếu nhân đạo. Dù chưa có kết quả điều tra chính thức nhưng ngành công nghiệp xuất khẩu bò Úc đã tạm dừng xuất khẩu bò cho một số lò mổ ở Việt Nam.
Không phải chuyện hiếm
Theo số liệu từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 thực hiện kiểm dịch nhập khẩu gần 200.000 con bò từ Úc; năm 2015 là trên 300.000 con và 6 tháng đầu năm 2016 kiểm dịch nhập khẩu trên 100.000 con.
Đại diện Cục Thú y cho biết trước khi cho phép các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu bò sống từ Úc vào Việt Nam để giết mổ, phía Úc đã cử cơ quan có thẩm quyền sang Việt Nam kiểm tra thực tế tại các cơ sở giết mổ xem có bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y không, đặc biệt là phải thực hiện việc giết mổ nhân đạo (chỉ sử dụng súng để bắn vào sọ não, cấm sử dụng búa để đập vào đầu), đồng thời yêu cầu cơ sở giết mổ bò Úc phải có camera để theo dõi xem bò có được giết mổ nhân đạo không; nếu bảo đảm các điều kiện nêu trên mới cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
“Trong năm 2015, Cục Thú y có nhận được cảnh báo của phía Úc về vấn đề giết mổ bò Úc tại Việt Nam. Cục Thú y đã có văn bản gửi các cơ quan thú y tại Việt Nam về việc tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, giám sát quá trình giết mổ bò Úc theo đúng yêu cầu về đối xử nhân đạo” - đại diện Cục Thú y cho hay.
Trong khi đó, ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu súc sản Hải Phòng (Animex) - DN đang bị cáo buộc được Tổ chức Bảo vệ động vật Úc cung cấp, nói rằng nhiều lò mổ ở Hải Phòng đã ngược đãi động vật, trong khi lại khẳng định các lò mổ của Animex Hải Phòng và các lò mổ khác nằm trong chuỗi cung ứng của Animex ở những tỉnh, thành khác đều thực hiện đúng quy trình giết mổ và quản lý bò theo điều kiện giết mổ nhân đạo. “Hiện 2 lò mổ của DN chúng tôi cùng gần 30 lò mổ của các DN khác trong cả nước đang bị Hiệp hội Xuất khẩu gia súc sống của Úc tạm dừng cung cấp bò để điều tra, tuy nhiên, các cáo buộc chưa có kết luận” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông này, việc điều tra của phía Úc sẽ bắt đầu từ ngày 17-7 tới và sẽ kết thúc trong khoảng 2 tuần. “Hy vọng sau cuộc điều tra, mọi việc sẽ được sáng tỏ và những DN thực hiện theo đúng quy trình giết mổ và quản lý bò theo điều kiện giết mổ nhân đạo như chúng tôi sẽ được trả lại sự công bằng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thực tế, việc giết mổ bò bằng búa diễn ra không phải là hiếm ở một số lò của Việt Nam, đặc biệt là những lò mổ tư nhân. “Thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu con bò/năm, trong khi đó phía Úc mới cung cấp cho Việt Nam khoảng 300.000 con bò/năm, tức là khoảng gần 30%. Điều này cho thấy ngoài những lò giết mổ bò Úc, vẫn còn rất nhiều lò mổ khác ở Việt Nam thực hiện theo cách truyền thống” - ông này dẫn chứng.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, khẳng định hình ảnh công nhân dùng búa đập vào đầu con bò không mang tính đại diện cho nền giết mổ của Việt Nam. Dù vậy, việc này vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không có sự đầu tư nên họ không có công cụ để giết mổ nhân đạo. Và để giải quyết vấn đề, họ đã dùng búa, tạo ra hình ảnh phản cảm và gây ra sự nguy hiểm cho chính người giết mổ.
Sẽ xử lý nghiêm cơ sở vi phạm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng động thái của chính phủ Úc sẽ khiến những DN chủ yếu nhập bò Úc và giết mổ tại Việt Nam bị nhiều thiệt hại bởi đã phải đầu tư khá nhiều tiền cho dây chuyền, cơ sở vật chất lò giết mổ. “Đây là bài học nhắc nhở chúng ta về quản lý giết mổ phải hướng tới vấn đề vệ sinh và nhân đạo” - ông Dương bày tỏ.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng chuyện dùng búa để đập đầu con vật trước khi giết mổ là thao tác không được chấp nhận ở cơ sở của bà. “Bản thân tôi lớn lên trong gia đình có nghề cho thuê giết mổ nhưng hình ảnh con bò bị dùng búa để đập là hết sức ghê rợn. Hiện cơ sở Xuyên Á không giết mổ bò Úc nhưng người thuê gia công ở đây cũng có trang bị súng để làm ngất bò tương tự như mổ bò Úc nên bảo đảm chấp hành giết mổ nhân đạo” - bà Thắm chia sẻ.
Cũng theo bà Thắm, hiện tại, do tình trạng kinh doanh thịt trong điều kiện thường hay thậm chí là ở chợ cóc, vỉa hè còn nhiều nên người tiêu dùng rất khó nhận biết nguồn thịt có giết mổ nhân đạo hay không.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngay khi nhận được lệnh cấm, bộ đã có đề nghị phía Úc cung cấp chính xác địa chỉ, tư liệu chứng minh được các cơ sở giết mổ của Việt Nam giết mổ gia súc bằng hình thức đập búa vào đầu hoặc các hình thức đau đớn khác, để cùng phối hợp xử lý. Nếu có được bằng chứng, các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Trong khi đó, Cục Thú y cho biết đã nhiều lần phối hợp với các chi cục thú y và địa phương để kiểm tra các cơ sở giết mổ, đều không thấy có hiện tượng dùng búa đập vào đầu bò trước khi giết mổ.
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Phòng Thú y Cộng đồng Chi cục Thú y TP HCM:
Đừng để gieo tiếng ác!
Giết mổ nhân đạo không phải là khái niệm mới, thực tế, TP HCM đã thực hiện từ lâu và nhìn chung tương đồng với các yêu cầu của phía Úc trong hoạt động giết mổ bò nhập từ Úc. Hiện TP có 2 cơ sở giết mổ bò là Xuyên Á và Vissan, trong đó Vissan đang giết mổ bò Úc.
Giết mổ nhân đạo là phương thức giết mổ bảo đảm cho vật nuôi được chết êm ái, người giết mổ không bị ám ảnh về nghề nghiệp và sản phẩm thịt cho người tiêu dùng bảo đảm về an toàn thực phẩm. Từ xưa, nghề giết mổ bị mang tiếng ác dù đó là công việc cần thiết cho xã hội là cung cấp thịt, thực phẩm thiết yếu cho con người. Bây giờ, có thiết bị (súng bắn gây ngất) làm con vật chết một cách nhẹ nhàng thì công nhân sẽ thấy công việc của mình cũng đơn giản như vặn ốc vít hay siết bù loong trong xưởng.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Daso, chủ quản Công ty CP Delta đang đầu tư nhà máy giết mổ bò tại huyện Hóc Môn, TP HCM:
Khó cạnh tranh với mổ lậu
Đối với chúng tôi, việc đầu tư một nhà máy giết mổ bò hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế không gặp khó về vốn hay công nghệ mà là sự cạnh tranh không lành mạnh của thị trường. Cụ thể, nếu tổ chức chuỗi cung ứng thịt bò sạch (từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối) thì giá thành sẽ cao hơn từ 10%-15% so với cách thương lái đang làm hiện nay do chi phí bảo quản, hao hụt trọng lượng, thuế… Đó là chưa kể phải cạnh tranh không cân sức với bò bơm nước, bò bệnh mổ lậu và trâu đông lạnh đội lốt thịt bò tươi sống. Nếu nhà nước không kiểm soát được tình trạng này thì rất khó cho các nhà đầu tư.
Chúng ta phải nhìn vào một thực tế là thịt bò Úc mổ tại Úc thì ngon hơn loại mổ tại Việt Nam do quy trình giết mổ của họ tốt hơn. Và người tiêu dùng đô thị muốn có thịt sạch, chất lượng phải chấp nhận tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh thay vì “thịt nóng” như hiện nay.
Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Vissan:
Xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ
Để bảo đảm giết mổ nhân đạo, Việt Nam cần nhanh chóng xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ để đi vào giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp. Thời gian qua, chính quyền cũng đã có hoạch định về giết mổ công nghiệp nhưng việc thực hiện không triệt để, lộ trình quá dài, không tạo điều kiện khuyến khích cần thiết cho các nhà đầu tư, còn thiếu kiên quyết với người giết mổ và kinh doanh thịt nhỏ lẻ. Chính điều này tạo ra sự thiếu kiểm soát và người tiêu dùng đối mặt với thực phẩm kém an toàn.
Về phía Úc, tôi cho rằng không nên vì sai phạm của một hai đơn vị mà cấm xuất khẩu bò toàn bộ vì sẽ làm tổn hại đến người tiêu dùng Việt cũng như chính kinh tế Úc.
Ngọc Ánh ghi
Bình luận (0)