Theo ông Đỗ Phước Tống, mặc dù đã giao cho công ty chuyên làm dịch vụ với mong muốn đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành dự án, đi vào sản xuất cho kịp tiến độ như cam kết với một tập đoàn của Mỹ đang có nhà máy ở TP HCM nhưng vẫn bị vướng, nghẽn ở nhiều khâu. Tháng 2-2019, ông Tống phải gửi đơn kêu cứu đến UBND TP HCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, UBND quận 9 vì dự án hơn 5.000 m2, tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng của công ty đã được Khu Công nghệ cao cấp phép đầu tư từ tháng 4-2018 nhưng khi công ty nộp hồ sơ xin phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng dự án thì Khu Công nghệ cao hướng dẫn doanh nghiệp (DN) chờ hoặc nộp tại UBND quận 9; UBND quận 9 thì đẩy ngược trở lại Khu Công nghệ cao, không nơi nào chịu nhận.
Nguyên nhân là theo quy định mới, "UBND cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu..." thì dự án của công ty phải do UBND quận 9 thực hiện (do Khu Công nghệ cao thuộc địa bàn quận 9, trong khi trước đó đều do Khu Công nghệ cao thẩm định, phê duyệt bản vẽ này). Giải quyết xong khâu phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng cũng chỉ tháo được 1 nút thắt của hồ sơ. DN muốn khởi công xây nhà xưởng thì phải có giấy phép xây dựng; muốn được cấp phép xây dựng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch mặt bằng, đánh giá tác động môi trường…
"Những "giấy phép con" đó phải đi theo quy trình, tuần tự chứ không được làm song song; đến khi có đầy đủ ý kiến của các sở ngành, khâu thẩm định cuối cùng để cấp phép tiếp tục yêu cầu điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng thì phải quay lại từ đầu, làm lại bản vẽ, xin lại giấy xác nhận phòng cháy chữa cháy…" - ông Tống nêu.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm, công nghệ ở Hội nghị kết nối cung cầu ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM
Trao đổi với chúng tôi, nhiều DN thể hiện sự đồng cảm với trường hợp của Công ty Duy Khanh và cho biết bản thân họ cũng rất vất vả trong việc tìm mặt bằng mở rộng sản xuất, có mặt bằng rồi thì bị ám ảnh vì phải trải qua hành trình "đau khổ" và ức chế mới xin được giấy phép xây dựng dự án. Nguyên nhân là nhiều bất hợp lý mang tính hệ thống, bắt nguồn từ luật, nghị định thì các sở, ngành địa phương lúng túng, đẩy khó về phía DN. Theo các DN, những chính sách của nhà nước hỗ trợ DN phục hồi sau dịch Covid-19 để vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm của nhà nước, Chính phủ đối với "sức khỏe" DN.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển. Trong lúc cả thế giới còn đang bận rộn, căng thẳng vì dịch Covid-19, Việt Nam với những điểm cộng trong kiểm soát dịch bệnh, vị trí địa lý, môi trường đầu tư… đã trở thành điểm đến được ưu tiên của rất nhiều nhà đầu tư Nhật, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... Đáng chú ý, trong đó là những nhà sản xuất tầm cỡ đang muốn "làm tổ" tại Việt Nam và rất cần xây dựng đội ngũ nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.
So với các nhà sản xuất nước ngoài, DN Việt vẫn còn lép vế cả về quy mô, trình độ, công nghệ, năng lực sản xuất. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của từng DN để tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu thiếu sự hỗ trợ kịp thời, có trách nhiệm từ chính sách, pháp luật lẫn sự nhiệt tình, trách nhiệm của những cán bộ thực thi thì DN sẽ rất khó nắm bắt, tận dụng cơ hội này. "Thủ tướng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mà nếu các bộ ngành, địa phương thực thi nghiêm túc, đầy đủ theo chỉ đạo sẽ giúp ích cho DN rất nhiều. Vấn đề là làm sao rút ngắn quãng đường từ nghị quyết đến thực tế" - tổng giám đốc một DN băn khoăn.
Bình luận (0)