Đó là thực tế được Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung nêu ra tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được tổ chức ngày 24-5 tại Hà Nội. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Chính phủ ban hành nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh.
Có phong bì mới được hướng dẫn
Phản ánh thực trạng môi trường kinh doanh, bà Trịnh Tú Anh - Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp An Đô (Hà Nội) - cho biết khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn nên gọi điện thoại đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hỏi thì nhân viên trả lời "muốn nhanh thì phải lên đây". DN cử người đến tận nơi mong được hướng dẫn thì nhân viên sở này lại nói "tự ra bảng đọc". Tìm hiểu mới biết nếu "chi" phong bì 200.000 đồng thì mới được hướng dẫn thủ tục hồ sơ.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trước đó, An Đô cùng với 40 DN khác trong Hiệp hội DN hóa chất đã "bấn loạn" vì phải đăng ký kinh doanh vận tải cho những chiếc xe công ty mua về chỉ để chở hàng hóa nội bộ chứ không phải kinh doanh vận tải. Bà Tú Anh cho biết công ty phải tự mày mò mất 2 tháng mới xong thủ tục nhưng cò môi giới mời chào chi 4,5 triệu đồng thì chỉ 1 tuần là xong. Chưa hết, trong lĩnh vực hải quan, An Đô bị áp sai mã hàng hóa, phải nộp thuế cao. Tổng cục Hải quan giám định và nhận sai nhưng phải chờ 1 năm sau mới nhận được tiền thuế chênh lệch.
"Có giai đoạn hàng chúng tôi bán rất chậm, tìm hiểu mới biết hóa ra hàng nhái của An Đô bán đầy trên thị trường. Chúng tôi làm ăn nghiêm túc thì năm nào cũng phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường nhưng những nơi khác làm hàng nhái, hàng giả lại không ai sờ đến" - bà Tú Anh bức xúc.
Tình cảnh này cũng diễn ra ở ngành thủy sản. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ nhiều DN nhỏ đang chật vật với các thủ tục công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn theo Nghị định 15. Họ chạy đến các cục chức năng hỏi cách làm thì nhận được câu trả lời "tự tìm hiểu", cuối cùng phải đến hỏi kinh nghiệm của các DN lớn trong ngành hoặc chi phong bì để được giúp đỡ. Do đó các DN rất kỳ vọng vào Nghị quyết 19.
Theo ông Nam, nhiều vấn đề đang ách tắc, như vụ muối i-ốt "bùng nổ" từ tháng 3-2017, qua 3 cuộc họp liên ngành và nhiều văn bản kiến nghị đến nay mới được đưa vào Nghị quyết 19. Tuy nhiên, nếu tiến độ thực hiện không có đột phá sẽ bào mòn niềm tin của DN. Có những vấn đề trì trệ đến nỗi khi được hỏi đến, DN kêu mệt lắm, không muốn nói đến nữa vì biết là không thể tháo gỡ được.
Điều khiển hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung thốt lên: "DN đến tận nơi hỏi mà công chức bảo tự làm, tự tìm hiểu thì đúng là vô cảm. Có tiền mới làm là kinh doanh chứ không phải dịch vụ công nữa". Ông Cung nhắc lại 4 chữ vô đã tồn tại trong môi trường kinh doanh lâu nay, đó là "vô lý, vô cảm, vô trách nhiệm, vô thời hạn" và nhấn mạnh DN vật lộn với thương trường đã khó rồi, đối phó với cơ quan quản lý còn khó hơn. Đây là thực tế rất đáng suy nghĩ.
Bộ - ngành đủng đỉnh
Mặc dù năm 2017, Việt Nam tiến được 18 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới nhưng các chỉ số liên quan đến hoạt động của DN và thể chế thị trường lại không được cải thiện. Cụ thể, chỉ số khởi sự kinh doanh đứng thứ 123/190, DN vẫn phải trải qua 9 thủ tục trong 22 ngày. Hai chỉ số liên quan đến tư pháp là giải quyết tranh chấp hợp đồng và thủ tục phá sản nhiều năm ở vị trí thấp và đang xếp thứ 129/190. TS Nguyễn Đình Cung bình luận đây là điều rất đáng tiếc, rất xấu hổ khi các nước trong khu vực đang cải cách mạnh mẽ.
Ông Cung dẫn số liệu cho thấy quý I/2018 đã có tổng cộng 738 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được cắt bỏ nhưng nhìn chung tốc độ rất chậm. Đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa được 11 ĐKKD nhưng lại bổ sung 115 ĐKKD mới, tức là bỏ 1, thêm 10. Có 3 bộ khác chưa tiến hành rà soát ĐKKD để cắt giảm một nửa theo yêu của Thủ tướng, gồm Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng. TS Cung cho rằng các bộ này là trụ cột mới trong cách mạng 4.0, kinh tế số nhưng còn đủng đỉnh, nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy thì cách mạng 4.0 chỉ là trên giấy, trên hội nghị.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc cắt giảm ĐKKD vừa qua đã chuyển động mạnh nhưng cần thực chất hơn, tránh tình trạng cắt giảm cho có, chạy theo con số để đối phó, còn thực tế là gộp nhiều thành một và chuyển sang hình thức quy chuẩn kỹ thuật. Do đó, cần có chương trình giám sát thực hiện, các bộ - ngành, địa phương không nên giao cho vụ, cục có quyền cấp phép tự cắt giảm vì họ không có động lực cải cách. "Nhiều bộ - ngành cho rằng ban hành văn bản là xong nhiệm vụ nhưng DN và người dân mới là người đánh giá hiệu quả khi họ được thụ hưởng chính sách trong thực tế. Nếu đánh giá mức độ thuận lợi bằng nghị quyết và chương trình hành động thì tất cả văn bản đều rất hay" - ông Tuấn nói.
Tập trung cải cách nhiều hơn
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải cách nhiều hơn về thủ tục gia nhập thị trường vì tỉ lệ DN/đầu người của Việt Nam hiện rất thấp. Mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả nhưng chỉ số khởi sự DN ở thứ hạng 123/190 là không thể chấp nhận được.
Bình luận (0)