Phóng viên: Chín tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu khoảng 2,47 tỉ USD nhưng công lớn lại thuộc về khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều ý kiến băn khoăn thành tích này giống như “mừng cho nhà người khác” bởi khối FDI chủ yếu gia công, lắp ráp?
- GS-TSKH Nguyễn Mại:
Chúng ta nên khách quan khi nhìn nhận về đóng góp của khối DN FDI. Lâu nay, nhiều người có cái nhìn tiêu cực, cứ đề cập FDI là nghĩ ngay tới chuyển giá, trốn thuế, đóng góp không nhiều do giá trị gia tăng đạt được chưa cao… Nên nhớ, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội 55 tỉ USD, khối FDI đóng góp gần một nửa. Do đó, nếu không có họ thì Việt Nam không thể có mức tăng trưởng GDP khoảng 5,4%-5,8% như hiện nay.
Chín tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước đạt 109,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của khối FDI không kể dầu thô hơn 67,2 tỉ USD. Năm ngoái, trong tổng số 155 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, khối FDI cũng chiếm đến 65%. Đóng góp của khối này vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm ngoái là 18% và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 20%.
Nhưng thưa ông, nhập khẩu của khối FDI cũng không nhỏ, điều này phản ánh giá trị gia tăng thật sự đem lại cho nền kinh tế chưa cao; các DN FDI chủ yếu là gia công, lắp ráp, ngay cả những tập đoàn lớn đổ vốn hàng tỉ USD vào Việt Nam?
- Phải thấy rằng nếu trước đây xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là xuất thô hàng nông sản, còn hàng công nghiệp chế biến cũng chỉ gồm may mặc, giày da, túi xách, khoáng sản và dầu thô (chiếm đến 20% nguồn thu ngân sách)… Từ khi có dòng vốn FDI, cơ cấu xuất khẩu đã thay đổi, công nghiệp chế biến đã có những mặt hàng công nghệ cao như điện thoại di động, hàng điện tử, máy vi tính với tỉ trọng cao.
Trong 9 tháng đầu năm, nếu không có khối DN FDI, chúng ta đã phải nhập siêu 13-14 tỉ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán quốc tế. Sâu xa hơn là gây thâm hụt ngoại tệ, ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái…
Quan trọng hơn, nếu không có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc… làm sao chúng ta “đọ” lại được Trung Quốc? Như việc Tập đoàn Intel dời nhà máy từ Costa Rica về Việt Nam và đang sản xuất 80% CPU máy tính cho toàn cầu hay mới đây, Microsoft dời nhà máy Nokia từ Trung Quốc về Bắc Ninh hay Samsung rót hàng tỉ USD vào các dự án ở Việt Nam…
Điều kỳ vọng nhất vào khối FDI khi đầu tư ở Việt Nam chính là việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ hỗ trợ… nhưng đến nay chưa như mong muốn?
- Khối DN FDI hiện sử dụng khoảng 3 triệu lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp trong các nhà máy, xí nghiệp. Người lao động được làm việc trong môi trường lao động quốc tế, có kỷ luật, yêu cầu về nhân quyền và chính sách đối với gia đình. Quan trọng là trong số này đang có hàng vạn lao động có tay nghề sẽ là nguồn lực tương lai để nhận chuyển giao công nghệ.
Hiện DN FDI bắt đầu xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đơn cử, Tập đoàn Samsung đang có một trung tâm R&D ở Hà Nội với 1.200 nhân viên và dự kiến sẽ tăng lên 2.200 nhân viên là những kỹ sư trình độ cao. Rất nhiều trong số này là người Việt đang dần thay thế người Hàn Quốc làm quản lý tập đoàn này.
Ở Thái Lan, đội ngũ lao động trình độ cao ban đầu làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, sau đó chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân và dần dần ứng cử vào những vị trí lãnh đạo cấp cao của các DN lớn, thậm chí cả chính trị. Chúng ta cũng nên đi theo hướng này.
Trên thực tế, tác động lan tỏa của khối FDI chưa lớn, chưa giúp được khối DN nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng đầu vào cho các tập đoàn nước ngoài. Theo ông, đây có là nỗi lo?
- Đúng là tác động lan tỏa của khối FDI với DN trong nước chưa nhiều, phải làm sao để họ vào Việt Nam, đem công nghệ cao rồi “ở lại” trở thành công nghệ của DN trong nước. Tôi từng nói với lãnh đạo cấp cao của Samsung, khi các ông vào đây được hưởng ưu đãi đầu tư, tạo việc làm cho người lao động nhưng khi về, các ông nên để lại cái gì giúp DN Việt Nam mạnh lên, giống như DN Hàn Quốc từ những anh bé nhỏ, công nghệ thấp vươn lên thành những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Và lúc này, chuyện tác động lan tỏa lại phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư của nhà nước. Tôi lạc quan cho rằng đang có làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam và biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử trên toàn cầu. Vấn đề còn lại là hơn 90 triệu dân Việt Nam không thể phát triển chỉ dựa vào khối FDI mà phải dựa vào DN trong nước, khối FDI chỉ nên đóng góp khoảng 25% vốn đầu tư toàn xã hội và 25% GDP. Nhưng hiện DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chưa có những chính sách mới để giúp khối này phát triển nhanh.
Tại một cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề phải chăng chúng ta đang có quá nhiều ưu đãi cho khối FDI mà lơ là khối DN trong nước?
- Dù tôi không tán thành việc chúng ta thiếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho khối DN trong nước nhưng việc thu hút FDI là chuyện khác. Nếu anh không thu hút được, nhà đầu tư sẽ đi nơi khác. Năm 2007, khi Samsung, Nokia có ý định đầu tư ở Việt Nam, nếu Chính phủ không kịp thời trả lời rõ những ưu đãi dành cho họ trong vòng 6 tháng, họ đã mở nhà máy ở Trung Quốc và chúng ta sẽ không có những dự án lớn tiếp theo hôm nay.
Bình luận (0)