Chung cư 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1) xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng nên từ năm 2003, chính quyền TP đã tiến hành di dời dân và giao mặt bằng cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn xây dựng chung cư mới.
Năm 2007, UBND TP phê duyệt dự án khu Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Văn phòng cho thuê và căn hộ tại vị trí này, dự án cũng đồng thời đổi chủ đầu tư mới là Công ty CP Đức Khải.
Xin chẻ nhỏ căn hộ
Đại diện UBND quận 1 cho biết dự án của Công ty CP Đức Khải nằm trong danh sách các dự án chậm tiến độ theo Nghị quyết 16 của HĐND TP. Tháng 7-2013, quận 1 làm việc với chủ đầu tư và được thông báo dự án đã hoàn thành phần tường vây, cọc nhồi; chủ đầu tư đang xin chuyển đổi công năng dự án từ văn phòng sang căn hộ và UBND TP đã có văn bản đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, rà soát các dự án căn hộ ngoài khu 930 ha để báo cáo TP cân đối.
Từ đó đến nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có ý kiến hay chưa và dự án có thay đổi nào không thì quận 1 không nắm được. Xác nhận tiến độ dự án đến nay đã hoàn thành hạng mục tường vây, cọc nhồi nhưng ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, khẳng định việc điều chỉnh dự án không cần thông qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc mà chỉ cần xin phép Sở Xây dựng.
“Các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt rồi thì cứ thế mà thực hiện, đâu cần xin phép nữa. Tuy nhiên, dự án này thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, trong tình hình thị trường hiện nay rất khó bán nên chúng tôi đang xin chẻ nhỏ căn hộ cho dễ bán. Hiện tôi đang chờ đơn vị tư vấn thẩm định để trình hồ sơ lên Sở Xây dựng, có thể đến năm 2015 mới khởi động lại dự án” - ông Lâm nói.
Theo quyết định đầu tư xây dựng đã được Sở Xây dựng phê duyệt, dự án có 212 căn hộ với diện tích gần 16.600 m2 (tổng diện tích sàn dự án là 72.500 m2, diện tích đất toàn dự án là 4.261 m2), quy mô dân số 900 người. Một số căn hộ được bố trí tái định cư cho người dân ở chung cư cũ.
Trên thực tế, Sở Xây dựng từng đề xuất không xem xét việc chẻ nhỏ căn hộ ở trung tâm TP bởi việc tăng số lượng căn hộ cũng đồng nghĩa với tăng dân số và sức ép lên hạ tầng kỹ thuật - xã hội của khu vực.
Bất cứ dự án nào muốn thay đổi cơ cấu căn hộ, nhất là thay đổi tổng diện tích sàn, đều phải có ý kiến thẩm định của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Hữu Tín, đã chỉ đạo phải hết sức cẩn trọng trong vấn đề cho phép “chẻ nhỏ” căn hộ các dự án, chỉ ưu tiên giải quyết các dự án ở vùng ven.
1 chọi 20
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ, UBND TP đã dành rất nhiều ưu tiên. Đối với dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Văn phòng cho thuê và căn hộ tại 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn, không cần xin phép xây dựng công trình, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc rất cao như: hệ số sử dụng đất là 5,64 , mật độ xây dựng là 69,8%, chiều cao 30 tầng (không tính 4 hầm, tầng kỹ thuật và tầng mái)...
Ngoài ra, dự án cũng được UBND quận 1 hết sức ủng hộ và tạo điều kiện. Vì là khu đất có vị trí đắc địa nên rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm đó, Văn phòng UBND TP đã chuyển cho UBND quận 1 danh sách 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin đầu tư. Qua tiếp xúc, thẩm định năng lực đầu tư, Công ty CP Đức Khải đã có cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng và không sang nhượng dự án.
Theo nhận định của UBND quận 1, cam kết này phù hợp, thể hiện quyết tâm và năng lực tài chính, bảo đảm triển khai nhanh dự án. Dù khi đó, trong tổng số 1.500 tỉ đồng vốn dự kiến thực hiện dự án, Công ty CP Đức Khải có 290 tỉ đồng, dự kiến vay vốn khoảng 300 tỉ đồng, số còn lại là vốn huy động, quận 1 vẫn đề xuất UBND TP chọn Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư.
Đến nay, việc kéo dài đầu tư dự án không chỉ khiến TP thất thu thuế mà người dân tại chung cư cũ vẫn chưa được tái định cư để ổn định cuộc sống.
Tạm cư thành tái định cư?
Gia đình ông Ngô Tiều được bố trí tạm cư tại chung cư Bàu Cát (Tân Bình) trong thời gian chờ xây chung cư mới để bố trí tái định cư. “Gia đình tôi tạm cư gần 10 năm rồi mà chưa thấy dấu hiệu gì của chung cư mới. Không biết đến bao giờ mới được về chỗ cũ hay nơi tạm cư thành tái định cư luôn?” - ông Tiều ngao ngán.
Một cư dân khác là ông Hoàng Văn Cất cho biết gia đình ông cũng thuộc diện tái định cư tại chỗ, phần diện tích chênh lệch giữa căn hộ cũ và mới sẽ được tính theo giá không kinh doanh.
“Tổng đầu tư dự án gồm cả giải phóng mặt bằng và xây dựng khoảng 1.400 tỉ đồng, tổng sàn xây dựng chung cư mới là 72.500 m2, tính ra giá trị khoảng 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng, chủ đầu tư bắt chúng tôi mua chung cư mới với giá 48 triệu đồng/m2, tính ngay m2 đầu tiên, bỏ qua diện tích căn hộ cũ của chúng tôi. Đây chẳng phải là vi phạm phương án tái định cư đã được TP phê duyệt và mua rẻ bán đắt hay sao?” - ông Cất đặt vấn đề.
Bình luận (0)