Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến tháng 7-2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn 426.000 tấn, cao hơn cùng kỳ vụ trước 187.000 tấn. Trong khi đó, lượng đường lậu tràn vào Việt Nam từ 400.000 - 500.000 tấn.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình nhập lậu đường trong nửa đầu năm 2013 ở Nam Bộ vẫn diễn biến phức tạp và liên tục tăng từ năm 2010 đến nay. Năm 2010 tổng lượng đường nhập lậu bị bắt giữ là 200 tấn, năm 2011 lên 331 tấn và trong năm 2012 lên đến 700 tấn. Dự báo năm 2013, lượng đường nhập lậu tiếp tục tăng và vượt năm 2012.
Buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại biên giới Tây Nam, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh)...
Những điểm “nóng” trên biên giới
Buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại biên giới Tây Nam, các tỉnh ĐBSCL, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh)... Sáu tháng đầu năm nay, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Long với 260 tấn đường thành phẩm và 60 tấn đường thô bị bắt giữ; An Giang trên 182 tấn.
Ban chỉ đạo 127 An Giang cho biết, đối tượng nhập lậu đường là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có kho hàng tại khu vực biên giới, các chủ đầu nậu, thầu đai vác. Hoạt động ngày càng tinh vi hơn, không theo quy luật, tổ chức buôn bán, chủ yếu xé nhỏ hàng hóa, mướn người đai vác, vận chuyển qua biên giới.
Buôn lậu chủ yếu vào mùa nước nổi vận chuyển bằng xuồng gắn máy có tốc độ cao, ghe, tàu trọng tải vài chục tấn. Địa điểm tập kết luôn thay đổi khi lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, nhập lậu còn thông qua hình thức tạm nhập tái xuất nhằm lợi dụng ưu đãi về thuế cũng xảy ra với số lượng lớn.
Trong 2 năm 2011-2012 và 4 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 90.000 tấn đường vi phạm dạng này. Doanh nghiệp tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà xả hàng bán nội địa.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nguyên nhân nhập lậu đường gia tăng là do giá đường của Thái Lan luôn thấp hơn giá đường trong nước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đối với đường cát Thái Lan nhập lậu, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở khu vực biên giới vẫn đối phó bằng cách mua đường cát hóa đơn chứng từ sản xuất trong nước, mua hàng tịch thu phát mãi của các tỉnh, thành phố, sau đó sử dụng hóa đơn, bộ hồ sơ phát mãi để hợp thức hóa xoay vòng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp như duyệt hóa đơn, xử lý nhãn hàng nhưng vẫn không thể ngăn chặn nổi.
Để ngăn chặn đường nhập lậu, Ban chỉ đạo 127 An Giang kiến nghị, Ban chỉ đạo 127 TƯ cần xem xét, kêu gọi các doanh nghiệp nhập khẩu đường cát, các nhà máy, công ty sản xuất kinh doanh đường cát không bán loại đường này cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở khu vực biên giới An Giang.
Bộ Tài chính có biện pháp quy định về hóa đơn chứng từ mặt hàng đường cát khi tịch thu phát mãi của các tỉnh, thành. Cần cụ thể chủng loại vì hiện nay chỉ ghi trên hóa đơn là đường cát trắng khi phát mãi các đơn vị kinh doanh lợi dụng xoay vòng hóa đơn. Đồng thời, đề nghị các nhà máy sản xuất đường trong nước nên cải tiến thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành.
Phối hợp đồng bộ các giải pháp chống
Nhằm tăng cường chống buôn lậu mặt hàng đường, vừa qua Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trung ương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ mặt hàng đường sản xuất trong nước.
Ban Chỉ đạo 127 trung ương yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh thành phố khẩn trương triển khai một số công việc nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất và chống buôn lậu đối với mặt hàng đường.
Tại khu vực biên giới đất liền và trên biển, khu vực cánh gà các cửa khẩu nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung, các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển và hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu mặt hàng đường, có biện pháp phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu. Trên thị trường nội địa, xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh chống các hành vi buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu.
Ban Chỉ đạo 127 trung ương yêu cầu Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế tăng cường trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, đúc rút quy luật hoạt động của các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, nhập khẩu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chú trọng mặt hàng đường tại khu vực biên giới Tây Nam và miền Trung, xử lý nghiêm các hành vi theo quy định của pháp luật.
Đối với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần bàn bạc, thống nhất để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước quản lý chặt việc xuất hóa đơn bán đường; in ấn, sử dụng bao bì để ngăn chặn việc lợi dụng hợp thức hóa đường nhập lậu... Hiệp hội dự báo tình hình cung cầu thị trường để có giải pháp ngăn chặn đường nhập lậu.
Bình luận (0)