Đóng cửa giao dịch ngày 19-7, thị trường chứng khoán dù không nối tiếp mạch tăng của 8 phiên trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao với chỉ số VN-Index đạt 1.172,98 điểm, chỉ giảm nhẹ 1,11 điểm so với phiên trước. Thanh khoản trên cả 3 sàn vượt 20.100 tỉ đồng.
Kỳ vọng đạt 1.300 điểm
Thị trường giao dịch với biên độ hẹp trong phiên ngày 19-7 nhưng xu hướng tích cực vẫn tiếp tục, hướng VN-Index đến vùng 1.200 điểm.
Nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục mua vào cổ phiếu với kỳ vọng bức tranh thị trường duy trì màu sáng từ nay đến cuối năm. Chị Hoàng Thu (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết đang nắm giữ cổ phiếu dòng chứng khoán và đầu tư công. Chị Thu kỳ vọng khi thị trường đi lên, trong bối cảnh thanh khoản gia tăng, số lượng tài khoản mở mới tăng, một số công ty chứng khoán vừa báo lãi trở lại, dòng chứng khoán sẽ hưởng lợi trực tiếp. Với dòng đầu tư công, chị Thu cho rằng hàng loạt dự án trọng điểm được khởi công hoặc đẩy nhanh tiến độ, như các dự án thành phần của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và một số đường cao tốc sẽ đem lại tăng trưởng khả quan cho doanh nghiệp lĩnh vực này.
Dù phiên giao dịch ngày 19-7, thị trường chứng khoán giảm điểm nhẹ song xu hướng tăng vẫn khá tích cực. Dữ liệu: THÁI PHƯƠNG, FIINGROUP. Đồ họa: ANH THANH
Một số nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn đang bắt đầu chốt lời cổ phiếu ở những nhóm ngành đã tăng mạnh thời gian qua khi nhận định thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc nghiên cứu Khối Phân tích khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng những đợt rung lắc ngắn hạn do nhu cầu chốt lời có thể vẫn xảy ra, dù vậy xu hướng trong trung hạn vẫn tăng và chưa có rủi ro nào đủ lớn tính đến hiện tại.
Ở góc độ vĩ mô, đang có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, việc Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 11% lên 14% thể hiện chính sách xoay trục sang định hướng tăng trưởng. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ chỉ tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay, góp phần tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước sớm cắt giảm lãi suất điều hành thêm khoảng 0,25 điểm %.
"Thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm, giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, lãi suất huy động tiếp tục giảm góp phần chuyển hướng dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Chưa kể, tháng 6-2023 là tháng thứ 2 liên tiếp có số lượng tài khoản mở mới tăng, nâng số lượng tài khoản mở mới trong quý II/2023 tăng 60% so với quý I. Cùng với việc cải thiện thanh khoản, có khả năng VN-Index tiếp tục xu hướng tăng, mục tiêu đạt 1.300 điểm vào cuối năm 2023" - ông Lâm phân tích.
Bất động sản KCN được quan tâm
Xét theo nhóm ngành, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhóm dịch vụ tài chính ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với mức 42,8%, thậm chí nhiều mã tăng trưởng hơn 100%. Điển hình, mã SSI của Công ty Chứng khoán SSI tăng từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên gần 29.000 đồng/cổ phiếu. Mã BSI của Công ty Chứng khoán BIDV đi từ giá 15.000 đồng/cổ phiếu lên 31.000 đồng/cổ phiếu. Mã VCI của Công ty Chứng khoán Vietcap cũng tăng từ 22.000 đồng/cổ phiếu lên 42.000 đồng/cổ phiếu. Ba lĩnh vực khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay là thép, dầu khí và xây dựng, tăng lần lượt 37%, 29,1% và 26,5%.
Theo Công ty Chứng khoán BETA, trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II/2023 dần được công bố, dòng tiền đang có sự phân hóa mạnh mẽ và chảy mạnh vào cổ phiếu của những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan và có sự tăng trưởng. "Nhà đầu tư tránh mua đuổi những cổ phiếu đã tăng nóng và cách xa vùng tích lũy" - công ty chứng khoán này khuyến cáo.
Nhiều công ty chứng khoán nhận định bất động sản khu công nghiệp (KCN) là một trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng từ nay đến cuối năm. Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng nhóm phân tích bất động sản KCN - Công ty chứng khoán MB (MBS), cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 13,4 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ nhưng kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm nhờ các tập đoàn lớn như Foxconn, P&G, Intel... mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đồng thời, Nghị định 35/2022 về quản lý KCN, khu kinh tế được ban hành sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2022 - 2025, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch, nối liền các tỉnh, thành và vùng kinh tế đã được phê duyệt và sẽ nhanh chóng khởi công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Các dự án giao thông quan trọng sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm đến khu vực lân cận, hướng dòng vốn đến các KCN ở thị trường loại 2 - nơi nguồn cung đất KCN còn nhiều, chi phí thuê thấp.
"Triển vọng đầu tư cổ phiếu bất động sản KCN trong năm nay sẽ tập trung vào doanh nghiệp có quỹ đất sạch, cho thuê trong dài hạn; vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp" - ông Đức chỉ rõ.
Những cổ phiếu "kém may mắn"
Trong khi thị trường hồi phục tích cực với nhiều mã ngành tăng điểm mạnh, một số ngành "kém may mắn" hơn khi chỉ tăng nhẹ hoặc sụt giảm so với đầu năm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành du lịch và giải trí giảm 7,1%, đồ uống giảm 4,2%, sản xuất thực phẩm và cung cấp nước giảm 4%...
Trong nhóm du lịch và giải trí, mã VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet giảm từ mức 110.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống hơn 96.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 19-7. Mã HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm từ mức 14.400 đồng/cổ phiếu còn 13.000 đồng/cổ phiếu.
Các chuyên gia cho rằng khó khăn kéo dài từ đại dịch COVID-19 đến nay khiến một số lĩnh vực chưa hồi phục tốt, không hấp dẫn được nhà đầu tư... là nguyên nhân khiến các cổ phiếu nhóm ngành dịch vụ, du lịch, hàng không... chưa có triển vọng tốt.
Bình luận (0)