Chia sẻ trên của ông Lê Văn Đồng, Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tỉnh Thanh Hóa, tại hội thảo về bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ do Trường ĐH Ngân hàng (NH) TP HCM tổ chức ngày 14-8 ở TP HCM khiến nhiều người giật mình. Vì sao mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời với nhiều kỳ vọng nhưng ngày càng èo uột, có quỹ đóng cửa, giảm quy mô hoạt động hoặc suốt 2 năm không bảo lãnh được DN nào?
Vừa nở đã sắp tàn
Ông Đồng kể: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đa số DN đều có nhu cầu vay vốn nhưng tài sản chủ yếu là đất nông nghiệp. Một DN có khu đất muốn triển khai dự án và có nhu cầu bảo lãnh để vay vốn NH. Tìm đến quỹ bảo lãnh, quỹ thấy DN có triển vọng, dự án tốt nên làm hồ sơ xin chứng thư bảo lãnh nhưng cả 5 NH thương mại đều từ chối.
“Nhiều trường hợp bảo lãnh xong, cơ chế, chỗ dựa pháp lý để xử lý rủi ro sau đó gần như bế tắc, trong khi trách nhiệm quỹ vẫn phải gánh, kể cả trách nhiệm hình sự hoặc dân sự. Điều này lý giải vì sao nhiều quỹ bảo lãnh ở các tỉnh, thành phố đang co cụm dần” - ông Đồng băn khoăn.
Từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng nhưng suốt 14 năm qua, cả nước chỉ có 23 quỹ được thành lập và nơi nhiều nhất cũng chỉ bảo lãnh được 105 DN. Hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách khiến hoạt động của nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng trên cả nước rơi vào tình trạng “vừa nở đã sắp tàn”.
Thống kê của PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Trường ĐH NH TP HCM, cho thấy có khoảng 9 quỹ bảo lãnh ra đời trong 2 năm qua nhưng mới dừng lại ở việc sắp xếp bộ máy, học tập mô hình nên chưa hỗ trợ được nhiều cho DN. Như quỹ bảo lãnh ở Bình Thuận ra đời năm 2007 và phải giải thể năm ngoái; ở Hà Nội, quỹ bảo lãnh từ khi thành lập đến nay mới bảo lãnh cho... 1 DN! Ngay tại TP HCM, quy mô của quỹ lớn nhất nước nhưng từ năm 2014 đến nay, không DN nào tiếp cận hoặc được sự bảo lãnh.
Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM, cho biết DN duy nhất được giải ngân vào năm ngoái là hồ sơ cũ, từ đó đến nay quỹ chỉ làm nhiệm vụ xử lý nợ. “Từ lúc quy định DN muốn được bảo lãnh phải có tài sản thế chấp, hoạt động của quỹ ngưng trệ đến giờ. Ngay cả việc xử lý nợ cũng rất khó khăn” - ông Long nói.
Tréo ngoe về quy chế
Theo ông Lê Văn Đồng, hoạt động của quỹ là theo cơ chế thị trường nhưng lại chịu sự quản lý của nhà nước ở tất cả các ngành liên quan. Nếu kiện cáo sẽ bị thanh tra, kiểm toán và cả... công an mời làm việc. Còn khi xảy ra sự cố hay nợ xấu, DN không có tài sản bảo đảm thì những người làm ở quỹ phải chịu trách nhiệm nên ai cũng lo!
“Một lần, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh Thanh Hóa mời lãnh đạo NH đến tư vấn cho nhân viên, anh này nói thẳng: Nghề làm tín dụng đã nguy hiểm mà nghề làm bảo lãnh tín dụng còn… nguy hiểm hơn. Nên giờ cần quy chế rõ ràng về hoạt động, xử lý rủi ro theo hướng nhà nước phải gánh rủi ro trước” - ông Đồng kiến nghị.
Ngay trong quy định về hoạt động bảo lãnh của các quỹ cũng mâu thuẫn, như vừa yêu cầu DN phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng tối thiểu 15% giá trị khoản vay lại vừa yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Nhưng nếu có tài sản thế chấp, DN sẽ không cần quỹ bảo lãnh để tốn thêm chi phí, thời gian. Bằng chứng là nhiều DN cho biết sau khi nghe quy định muốn được bảo lãnh phải có tài sản thế chấp đã không còn ý định tìm đến quỹ bảo lãnh.
Chưa hết, lãi suất các khoản vay có bảo lãnh tín dụng cao hơn so với những khoản vay thế chấp thông thường. Bởi hiện các NH thương mại vẫn chưa coi những khoản tín dụng có bảo lãnh như khoản vay có tài sản thế chấp. Nên dù được quỹ ra chứng thư bảo lãnh, NH vẫn tính lãi suất cao hơn do DN phải chịu phí bảo lãnh khoảng 0,8%/năm trên tổng số tiền vay. “NH không phải thẩm định và gánh chịu rủi ro thì nên hạ lãi suất đối với các khoản tín dụng có bảo lãnh từ quỹ” - PGS-TS Lý Hoàng Ánh, Trường ĐH NH TP, kiến nghị.
Để khắc phục tình trạng trên, theo các đại biểu, cần một cơ chế, chính sách phù hợp hơn để tăng hiệu quả của các quỹ, hỗ trợ kịp thời cho DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn.
Bình luận (0)