Kế hoạch thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải năm 2019 của EVN HCMC là gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN THANH: Bộ Công Thương đã có Quyết định 175/QĐ-BCT ngày 28-1-2019 phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Trước mắt, EVN sẽ tập trung triển khai điều chỉnh phụ tải phi thương mại. Theo chỉ đạo của tập đoàn, trong tháng 3-2019, EVN HCMC sẽ ưu tiên vận động và ký thỏa thuận tham gia chương trình với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; tiếp đó sẽ tiếp tục vận động mở rộng cho các khách hàng lớn khác cùng tham gia. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia để tính toán nhu cầu công suất hệ thống, lập kế hoạch triển khai các sự kiện điều chỉnh phụ tải tối ưu.
Năm 2018 ngành điện TP HCM đã làm tốt công tác giảm tổn thất điện năng, về đích sớm 2 năm so với lộ trình. Vì sao EVN HCMC làm được như vậy?
- Năm 2018, EVN HCMC giảm tổn thất điện năng 3,27%, về đích sớm 2 năm so với lộ trình đến năm 2020. Để đạt được kết quả này, từ năm 2015, chúng tôi đã xây dựng đề án giảm tổn thất điện năng cho giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp về nhân sự, kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đã thực hiện đồng bộ tất cả giải pháp qua các năm theo lộ trình của đề án. Trong năm 2018, có 3 nhóm giải pháp giảm tổn thất điện năng trọng tâm mang tính quyết định đã được EVN HCMC triển khai đồng bộ.
Công nhân Điện lực TP HCM thực hiện thi công, sửa chữa live-line Ảnh: Mạnh Cường
Cụ thể, về giải pháp đầu tư xây dựng đã khởi công và hoàn thành 18 công trình 220/110 KV, hoàn thành công tác nâng cấp điện áp toàn bộ lưới điện trung thế từ 15 KV lên 22 KV sớm trước 2 năm theo kế hoạch. Về giải pháp kỹ thuật, thường xuyên theo dõi tình hình vận hành trạm và đường dây 220/110 KV lẫn các trạm 110, 220 KV, các tuyến dây trung thế… Song song đó, thực hiện tốt công tác giảm mất điện, giảm sự cố trên lưới điện; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa trên lưới trung thế đang mang điện (live-line), góp phần giảm tổn thất điện năng.
Về giải pháp kinh doanh: thay kiểm định 100% các công-tơ, TU, TI vận hành trên lưới điện, đồng thời làm tốt công tác truy thu các trường hợp trộm cắp điện với tổng sản lượng điện truy thu là 5,40 triệu KWh, tương ứng 14,65 tỉ đồng. Để kiểm soát tổn thất điện hiệu quả nhất, EVN HCMC cập nhật, theo dõi và tính toán tổn thất của hơn 641 tuyến dây trung thế và 15.445 khu vực trạm công cộng; khoanh vùng các khu vực có tổn thất cao để kịp thời khắc phục. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ tổn thất điện của các tuyến dây trung thế toàn EVN HCMC còn 1,15%, lưới hạ thế còn 3,57%. Cũng trong năm 2018, các công ty điện lực ở TP HCM khai thác ứng dụng từ hệ thống đo xa cho hơn 1.300 điểm đo tại các trạm 110/220 KV, hơn 28.000 trạm biến thế phân phối và trên 800.000 khách hàng sau trạm công cộng…
Giải pháp đẩy mạnh hiệu quả giảm tổn thất điện năng trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Trên nền tảng hiệu quả giảm tổn thất điện năng 2018, ngành điện TP tiếp tục triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng, vận hành lưới điện tối ưu cùng các giải pháp giảm sự cố, giảm mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ứng dụng hệ thống đo xa... Cùng với đó là đẩy mạnh việc kiện toàn lưới điện trung hạ thế; khai thác hiệu quả hơn nữa ứng dụng hệ thống đo xa tại các trạm biến áp phân phối.
Bình luận (0)