Lãi lớn
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong nửa đầu tháng bảy, có rất nhiều thời điểm trong ngày, EVN mua được điện với giá rất thấp, chỉ trên 300 đồng/kWh, có thời điểm trên 900 đồng/kWh.
Tại các thời điểm khác trong ngày, giá mua điện (đã tính tổng các chi phí gồm giá điện thị trường, phí truyền tải, phân phối) phổ biến của ngành điện chỉ ở mức bình quân 1.000 - 1.100 đồng/kWh.
Đơn cử, với mức giá chào bình quân ở mức 1.138,87 đồng/kWh cho ngày 14-7, sau khi trừ các chi phí trả cho doanh nghiệp, chi phí truyền tải, phân phối, với mỗi kWh bán ra, EVN lãi bình quân 367,03 đồng/kWh.
Còn bóc tách chi tiết theo giờ thì trong cả ngày 14-7, chỉ có 7 tiếng EVN phải mua điện với giá bình quân 1.362,4 đồng/kWh và một giờ mua điện với giá 1.286 đồng/kWh.
16 tiếng còn lại trong ngày, EVN chỉ phải mua điện với giá bình quân 1.031 đồng/kWh. Tính riêng trong 16 giờ này, EVN lãi trung bình 474,9 đồng/kWh.
Với mức giá này, nếu tính cả tiền lương bình quân chiếm khoảng 5,5% giá điện, tương đương 75,29 đồng/kWh thì ngành điện vẫn lãi ròng khoảng 400 đồng/kWh bán ra.
Các số liệu thống kê vận hành thị trường cho thấy, trong ngày 14-8, EVN huy động tổng cộng 302,79 triệu kWh từ các nhà máy thủy điện (chiếm 56,7% sản lượng trong ngày), nhiệt điện than huy động 29,54 triệu kWh (8,2%), các nhà máy chạy khí đóng góp 101,67 triệu kWh (28,3%), nhà máy điện nhỏ đóng góp 17,48 triệu kWh (4,9%) và mua điện Trung Quốc đạt 7,23 triệu kWh (2%). Đặc biệt, trong tổng lượng điện tiêu thụ của ngày hôm đó là 359,71 triệu kWh, ngành điện không huy động một kWh nào từ các nhà máy nhiệt điện dầu và nhà máy tuabin khí chạy dầu.
Đến ngày 15-8, giá điện huy động bình quân EVN mua của các đơn vị giảm khá mạnh, xuống chỉ còn 1.139,3 đồng/kWh do có những thời điểm trong ngày ngành điện chỉ phải mua với giá 363 đồng/kWh và một số giờ khác có giá quanh mức 980 đồng. Ngày tiếp sau đó, giá điện mua bình quân của EVN có tăng chút ít lên mức 1.254,4 đồng/kWh.
Theo báo cáo trước đó về việc vận hành thị trường điện cạnh tranh, EVN cho biết đã vận hành thị trường thí điểm trong 6 ngày (từ 25-6 đến ngày 30-6).
Kết quả cho thấy tổng số tiền EVN thanh toán nếu theo giá thị trường thấp hơn so với thanh toán theo hợp đồng mua bán điện khoảng 2,98 tỷ đồng.
Ở giai đoạn vận hành thị trường chính thức, ngay trong tuần đầu tiên (từ 1-7 đến 6-7) tổng số tiền EVN thanh toán theo thị trường thấp hơn so với thanh toán theo giá hợp đồng mua bán điện khoảng 8,2 tỷ đồng.
Nếu tính chung từ ngày 25-6 đến ngày 6-7, chênh lệch tổng doanh thu khâu phát của các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường (khi không thực hiện thị trường và khi thực hiện thị trường điện) vào khoảng 11,192 tỷ đồng, tương đương 1,85%.
So sánh doanh thu theo thị trường điện và theo hợp đồng mua bán điện trước đây, tổng doanh thu của các nhà máy thủy điện tăng khoảng 5,4 tỷ đồng và tổng doanh thu của các nhà máy nhiệt điện giảm khoảng 16,6 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, giá mua điện của EVN từ các nhà máy thủy điện trong tháng qua ở mức khá thấp.
Cụ thể, với nhà máy thủy điện A Vương, có những thời điểm trong ngày, giá chào bán chỉ ở mức khoảng 300 đồng/kWh, còn lại giá chào phổ biến chỉ ở mức trên dưới 600 đồng.
Theo thông tin từ Cty Mua bán điện, qua hơn một tháng vận hành thị trường, có thời điểm có nhà máy thủy điện chỉ chào giá bán là 0 đồng hoặc 1 đồng/kWh.
Các nhà máy thủy điện này chào giá gần như bằng 0, do nước tại các hồ chứa lên cao buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Còn theo một đại diện của Tổng Cty điện Vinacomin, sau khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã bị sụt giảm về sản lượng, thậm chí có ngày lỗ do mỗi lần khởi động lại lò hơi chi phí khoảng 2 tỷ đồng.
Giảm giá điện: Phải chờ
Đại diện Cục này cũng thừa nhận, hiện nay tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy dầu FO và tổ máy tuabin khí chạy dầu DO đang ngừng vận hành do thời điểm hiện tại không có nhu cầu phải huy động điện từ các nhà máy này.
Dưới góc độ chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi nhờ việc các nhà máy cạnh tranh giá chào, cần rút ngắn hơn nữa các giai đoạn trong thị trường điện cạnh tranh, đồng thời đẩy nhanh việc xóa độc quyền của ngành điện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để cho các nhà máy thủy điện nhỏ tham gia chào giá cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Ngãi, hiện chỉ những nhà máy trên 30MW mới được tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Quy định này đã góp phần loại hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ có công suất trên dưới 10MW ra khỏi cuộc chơi, dù những đơn vị này sẵn sàng đưa ra mức giá chào thấp.
“Phải hạ tiêu chí tham gia thị trường xuống để các nhà máy 10MW được tham gia thị trường. Việc tư nhân đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ cũng đáng khích lệ, tạo ra một lượng điện lớn giúp cho EVN đỡ khó khăn về công suất”- Ông kiến nghị.
Bình luận (0)