Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên mức 1,5%-1,75%. Đây là mức tăng lãi suất lớn trong vòng 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát của FED. Với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ việc FED liên tục tăng lãi suất và sẽ có thêm những lần điều chỉnh tiếp theo nhưng các chuyên gia cho rằng tác động không quá lớn.
Áp lực là có nhưng không quá lớn
TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đánh giá việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết đồng tiền khác, trong đó có VNĐ. Từ đó, tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VNĐ. Tính đến ngày 15-6, tỉ giá USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng (NH) đã tăng 1,65% trong khi chỉ số USD Index tăng 9,9% so với cuối năm ngoái. Chênh lệch lãi suất VNĐ - USD đang về mức thấp trong nhiều tháng, sẽ tạo áp lực tăng tỉ giá thời gian tới.
Theo trưởng phòng kinh doanh tiền tệ của một NH thương mại lớn ở TP HCM, khi FED tăng lãi suất cơ bản, đồng USD sẽ tăng giá và thực tế đồng tiền này đã lên giá đáng kể nhiều ngày qua. Bởi trong bối cảnh USD tăng giá nhưng VNĐ vẫn ổn định sẽ dẫn đến độ chênh lệch về tỉ giá, nghĩa là VNĐ có phần giảm giá so với USD, tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay ổn định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu duy trì nguồn thu ngoại tệ, góp phần ổn định tỉ giá. Ảnh: TẤN THẠNH
Dù vậy, tỉ giá USD/VNĐ được dự báo sẽ tăng không quá lớn. Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, NH Nhà nước đang thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục: khoảng 110 tỉ USD. Nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định; cán cân thương mại 5 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỉ USD và cả năm dự kiến vẫn thặng dư khoảng 4-8 tỉ USD. Dự báo tỉ giá năm nay sẽ tăng khoảng 2%-2,3%.
"Nếu duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định thì sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu duy trì nguồn thu ngoại tệ, từ đó góp phần ổn định nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỉ giá" - TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), nhận định.
Lãi suất, lạm phát sẽ ra sao?
Đánh giá về tác động của việc FED điều chỉnh lãi suất cơ bản lên lãi suất và lạm phát trong nước, các chuyên gia đều nhận định áp lực này là không lớn.
PGS-TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng lãi suất tại Mỹ đi lên làm tăng thêm sức mạnh cho đồng USD, gây áp lực lên VNĐ. Tiền đồng sẽ giảm giá so với USD, có lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước. Nhưng ở chiều ngược lại, nợ nước ngoài của Việt Nam cũng gia tăng, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn... có thể làm cho giá hàng hóa trong nước tăng lên, tác động không tốt đến lạm phát. Vì thế, với nguồn cung USD đang dồi dào và trong trường hợp cần thiết, NH Nhà nước có thể bơm USD ra thị trường để giữ ổn định tỉ giá.
Với lạm phát, các chuyên gia đánh giá hiện Việt Nam đang tập trung khôi phục kinh tế gắn liền kiểm soát tốt lạm phát, chủ động trong nguồn cung lương thực, thực phẩm... nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chưa đáng kể, giúp lạm phát chưa đến mức căng thẳng như tại Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu. PGS-TS Nguyễn Văn Trình nhận định Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để giữ lãi suất ở mức thấp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch Covid-19 nên việc mặt bằng lãi suất nhích lên ở các nước sẽ không tác động nhiều đến lãi suất trong nước.
Ở góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực nói rằng việc FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục chịu nhiều áp lực tăng giá. Lãi suất huy động dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng bị thu hẹp. Sức ép lạm phát tăng lên khi chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 2,86% so với cùng kỳ và tăng bình quân 2,25% so với cuối năm ngoái...
"Dù vậy, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi như định hướng của Chính phủ và NH Nhà nước, đặc biệt là khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỉ đồng được triển khai" - TS Cấn Văn Lực nêu.
TS Hồ Quốc Tuấn nói rằng áp lực lên lãi suất VNĐ trong thời gian tới là không lớn, vì không có sự liên thông rõ ràng giữa lãi suất USD trên thị trường quốc tế và lãi suất VNĐ trong nước. Công cụ lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa. Một trong những lợi thế của Việt Nam hiện tại là NH Nhà nước đang ở vị thế tương đối tốt so với nhiều nước. Dư địa về lãi suất vẫn còn có thể tăng lên, dư địa về lạm phát đặt ra là 4% và trong trường hợp lạm phát nhích lên 5% thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, hệ thống tổ chức tín dụng đã vững chắc hơn nhiều so với trước đây, giúp NH Nhà nước có nhiều công cụ thể can thiệp thị trường.
Phối hợp để điều tiết giá mặt hàng thiết yếu
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực do NH trung ương các nước, đặc biệt là FED, có xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, một trong những khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra là cần xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý. Đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục... một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm.
Bình luận (0)