Xây dựng một hệ thống phân phối “Made in VN” với tham vọng trở thành đối trọng với hệ thống của các tập đoàn nước ngoài và vươn ra thị trường thế giới, nhóm nghiên cứu dự án G7 mart đã mất trên 2 năm với 4 lần “lao” thẳng vào “tổng hành dinh” của hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất của Thái Lan 7-eleven; khảo sát kỹ lưỡng quá trình hình thành của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Wallmart, Tesco, Carrefour, Aldi cũng như kênh phân phối của các đại gia đang có mặt tại VN như Metro, Big C, Intimex...
Khởi đầu bằng 500 cửa hàng tiện lợi
Mô hình của G7 mart được xây dựng và phát triển đến năm 2010 theo chuỗi bao gồm: 7.000 cửa hàng tiện lợi, 200 trung tâm phân phối, 100 trung tâm phân phối sỉ, 7 trung tâm thương mại và 7 siêu thị lẻ tại VN khắp 65 tỉnh, thành. Ngay trong quý II tới, 500 cửa hàng tiện lợi đầu tiên sẽ đồng loạt khai trương trên toàn quốc với hơn 5.000 cửa hiệu bán lẻ thành viên.
ÔNG ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY TNHH G7: Làm đối trọng với các hệ thống phân phối nước ngoài tại VN Xuất phát từ một DN sản xuất và cung cấp cà phê nên tôi đã từng phải bỏ rất nhiều công sức và tiền của để xây dựng một hệ thống phân phối cho riêng mình.
Vì thế tôi hiểu rất rõ bức tranh về hệ thống phân phối trong nước và đặc biệt là những khó khăn mà hầu hết các DN vừa và nhỏ của VN gặp phải trong khâu phân phối. Không phải nhà sản xuất trong nước nào cũng có đủ nhân lực và tài chính để có thể xây dựng cho riêng mình các kênh phân phối như những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia. Việc ra đời của hệ thống phân phối G7 sẽ là một kênh phân phối quan trọng và mang ý nghĩa rất lớn đối với các nhà sản xuất tại VN. Điều tôi tâm đắc nhất là xây dựng một hệ thống phân phối VN để làm đối trọng với các hệ thống phân phối nước ngoài đang hoạt động hoặc có ý định nhảy vào thị trường VN. Thực tế cho thấy các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài khi đã đến thị trường nào cũng đều khống chế tỉ trọng và tự điều tiết lưu lượng hàng hóa của thị trường đó. M.H ghi |
Với các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm của những doanh nghiệp (DN) nhỏ khó có thể chen chân, xuất hiện trên kệ hàng của họ vì nhiều lý do như giá, chiết khấu, các điều kiện về giao, nhận hàng... Vì vậy, nhiều sản phẩm của các thương hiệu còn non trẻ rất khó tiếp cận người tiêu dùng.
G7 mart đặc biệt chú trọng đến những đối tượng, tạo cơ hội cho cả DN và người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn các sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá cả phù hợp với thu nhập của mỗi người.
Nắm vững động mạch chủ
Kể từ năm 2000, nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đã xâm nhập vào thị trường bán lẻ VN. Nhiều thương hiệu đã “nhân” rất nhanh và trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước.
Đơn cử như 3 siêu thị Big C của Tập đoàn Bourbon Group, Metro Cash & Cary 6, 15 cửa hàng thức ăn nhanh mang hiệu Lotteria; trung tâm mua sắm Parkson; 4 cửa hàng Medicare chuyên các sản phẩm dành cho sức khỏe, sắc đẹp, chăm sóc cá nhân...
Nhiều chuyên gia thị trường cho rằng, hệ thống phân phối nội địa ở VN đang có nguy cơ rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài. Với tổng doanh số tiêu dùng năm 2005 lên tới 21 tỉ USD, thị trường bán lẻ VN đang là mảnh đất đầy hấp dẫn với các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài các thương hiệu bán lẻ lớn của thế giới đang có mặt hiện nay, rất nhiều đại gia khác cũng đang nhòm ngó mảnh đất màu mỡ này như: Wall- mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới của Mỹ, Tesco (Anh), Carrefour (Pháp)...
Trước tình hình này, Bộ Thương mại đã tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành phân phối VN đến năm 2020, dự kiến cuối năm trình Chính phủ. Theo đó, sẽ có 15 nhà phân phối bán lẻ VN được lựa chọn để đầu tư thành những nhà phân phối lớn với mục đích giữ thị phần bán lẻ nội địa.
Đề án hay nhưng đợi đến lúc được phê duyệt và nhất là đi vào thực hiện thì chưa biết đến lúc nào. Chính vì vậy, dự án G7 mart tung ra tại thời điểm này có tầm quan trọng rất lớn để giữ vững “động mạch chủ” trong hệ thống phân phối của VN. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT của G7 mart, khẳng định mục tiêu cuối cùng của G7 mart là hợp sức với các nhà sản xuất trong nước tạo nên một Viet Town để cùng nhau vươn ra thị trường nước ngoài.
Bình luận (0)