Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL, nhu cầu toàn vùng là 2,2-2,5 tỉ cá tra giống. Đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao với nhu cầu toàn vùng là 2,5-3 tỉ con giống.
Đề án sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tại vùng ĐBSCL, tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc vùng ĐBSCL đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Vùng sản xuất giống cá tra tập trung phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, có diện tích từ 50 ha trở lên thuận tiện về nguồn nước và đảm bảo về môi trường theo quy định.
Tương lai ĐBSCL sẽ có giống cá tra chất lượng cao góp phần phát triển ngành hàng theo hướng bền vững. Ảnh: Ngọc Trinh
Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư bao gồm: Chương trình chọn giống và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống cá tra vùng ĐBSCL; Dự án đầu tư nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung tại 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp (tại An Giang có 3 vùng, diện tích 350 ha; Đồng Tháp có 4 vùng với diện tích 420 ha). Tổng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án cần đến 592 tỉ đồng.
Hiện nay, tình trạng cá tra giống khan hiếm đã gây khó khăn cho ngành hàng. Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, hiện có 101.000 con cá tra bố mẹ, cá tra hậu bị đã được phát tán đàn cho các trại giống ở khu vực ĐBSCL đang ở giai đoạn 6-7 tuổi. Năm 2017, phát tán 15.000 con và sẽ sinh sản vào năm 2019. Tuy nhiên, nguồn giống cá tra bố mẹ phục vụ cho vụ sản xuất năm nay chỉ còn 60.000 con cá tra bố mẹ. Trong Tết, cá tra giống 30 con/kg giá 55.000 đồng, sau Tết đến nay tăng lên 75.000 đồng nhưng vẫn không có con giống.
Bình luận (0)