Clip quay lại cảnh anh Bình dùng lửa đốt số gạo nghi là giả.
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3) cho biết ngày 21-1, anh mua ít gạo nàng hoa tại một cửa hàng quen trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Đến khi nấu cơm, anh thấy có nhiều hiện tượng bất thường.
Gạo anh Bình mua tại một cửa hàng gần nhà.
Cụ thể, anh Bình có cảm giác gạo không nở, cơm có chỗ còn sống. Ban đầu, anh cứ nghĩ do nồi bị hư nên đã thử nấu bằng nồi khác nhưng vẫn xảy ra tình trạng tương tự.
Anh Bình bày tỏ: “Tôi làm đầu bếp nhà hàng gần 10 năm nên khi nấu ăn sẽ biết gạo như thế nào là ngon. Lần này, khi nấu xong ăn vào cảm giác rất lạ”.
Nghi là gạo giả, anh Bình đã dùng lửa từ bình gas mini đốt một ít. Sau 3 giây đốt lên, gạo đã cháy đen, mùi hôi như nhựa, sau đó vón cục.
Thấy gạo có biểu hiện bất thường, anh Bình đã mang chúng đốt và nhận thấy rất dễ cháy, có mùi khét như nhựa, sau đó vón cục.
Cơm cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Anh Bình quả quyết đây là gạo giả vì gạo thật sẽ không có biểu hiện như vậy. Để chứng minh, anh Bình dùng một ít gạo loại bình thường và thực hiện thao tác tương tự. Phải mất trên 10 giây, số gạo này mới cháy đen và mùi không khó chịu như loại gạo đốt trước đó.
Phóng viên đã gửi mẫu gạo "lạ" nêu trên đến Trung tâm Kiểm nghiệm, Phân tích nông sản (trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng. Qua phân tích, cả hai đơn vị có chung kết luận cho thấy thành phần gạo là glucid, protein và không có tạp chất lạ.
TS Trần Quốc Trong, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng gạo anh Bình mua có biểu hiện lạ có thể do để lâu hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển không tốt khiến chất lượng giảm sút.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam, cho rằng nghi vấn gạo nhựa khó xảy ra vì chi phí cao và hạt nhựa làm ra gạo có kích thước nhỏ, làm rất kỳ công. Ngoài ra, nếu lô gạo có vấn đề, hàng loạt người sẽ phản ánh chứ không phải một mình anh Bình.
Theo anh Trần Vĩnh Tuyến, Giám đốc Công ty sản xuất nhựa Thiên Kim (huyện Bình Chánh), không thể nào lấy nhựa làm gạo được vì nhựa nguyên chất giá thành rất cao và không thể bẻ gãy như những hạt gạo. “Còn nhựa tái chế sẽ có màu đục, giá thành cũng cao hơn cả gạo” - anh Tuyến khẳng định.
Bình luận (0)