Theo cảnh báo được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra, từ năm 2013 đến tháng 4-2016, 15 DN Việt Nam có lô gạo bị Mỹ trả về với số lượng lên đến hơn 4.000 tấn. Loại gạo bị phía Mỹ trả về có isoprothiolane, hexaconazole, acetamiprid, chlorpyripos…
Đây là các hoạt chất có trong nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật được Việt Nam cho phép sử dụng để trị các bệnh cho lúa như đạo ôn, lem lép hạt, sâu đục thân… Đáng chú ý, trong danh sách các DN có lô hàng bị Mỹ trả về có những DN lớn, cho thấy việc chinh phục thị trường khó tính như Mỹ là không dễ.
Theo phân tích của giới kinh doanh gạo, những năm gần đây, các DN xuất khẩu gạo bắt đầu thâm nhập những thị trường khó tính. Giai đoạn đầu, DN chỉ xuất khẩu đơn hàng nhỏ, đến khi sản lượng tăng lên thì bị nước nhập khẩu tăng cường kiểm soát chất lượng.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 58.000 tấn gạo; đến năm 2014, sản lượng vọt lên 70.000 tấn. Sang năm 2015, gạo Việt Nam bị “chú ý” nhiều nên chỉ còn xuất khẩu được hơn 44.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành Bảy Mập (TP HCM), cho biết DN đang xuất khẩu sang Mỹ loại gạo cấp thấp như Hàm Châu, IR50404 với giá 550 USD/tấn, cao hơn nhiều so với các thị trường khác.
Trong khi đó, giá bán loại gạo này trong nước chỉ 9.000 đồng/kg. Là lãnh đạo DN có kinh nghiệm hơn 10 năm ở thị trường Mỹ, hơn 20 lần bị kiểm tra nhưng đều đạt yêu cầu, bà Nhung cho biết hàng rào kỹ thuật nước này ngày càng khắt khe.
“Khi xuất gạo, DN phải báo cho nhà chức trách Mỹ kho bảo quản để họ tới lấy mẫu kiểm tra. Nếu đạt, họ cho mình xuất bán, không đạt thì DN phải tìm cách chở gạo về nước nhưng phải trả phí xét nghiệm, chịu phạt và bị đưa vào danh sách đen. Mỗi container hàng xuất sang Mỹ chỉ 18 tấn, đơn giá 550 USD/tấn thì tổng giá trị 9.900 USD nhưng phí xét nghiệm mỗi lần là 2.500 USD. Vì vậy, nếu hàng bị kiểm tra nhiều dù có đạt yêu cầu, DN vẫn lỗ” - bà Nhung phân tích.
Dùng chế phẩm vi sinh cho gạo xuất khẩu
Một giảng viên tại Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ cho biết hiện nay, chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ vi sinh được ứng dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chế phẩm vi sinh khi bón cho đất sẽ tăng vi sinh giúp đất màu mỡ, ủ phân hữu cơ, trị rầy nâu…
Nông dân Nguyễn Công Lý (ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nêu thực trạng: “Từ lâu, tôi sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP nên toàn bộ 10 ha đều dùng phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học. Khi thu hoạch, gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì công ty xuất khẩu không mua”. C.Linh
Bình luận (0)