Ngày 4-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị "Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo".
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, cùng lãnh đạo UBND, các sở của 25 tỉnh, thành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết ước tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Ngày 20-7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại phi basmati, có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành. Ngay sau thông báo của Ấn Độ, giá gạo Thái Lan có xu hướng tăng khoảng 5 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ ổn định trong tuần đầu tiên kể từ thời điểm Ấn Độ ra thông báo.
Do có độ trễ so với gạo Thái Lan, mức tăng giá của gạo Việt Nam diễn ra chậm. So với ngày 20-7, hiện giá gạo Thái Lan tăng gần 60 USD/tấn trong khi giá gạo Việt Nam mới tăng có 25 USD/tấn.
Đến ngày 1-8, thị trường biến động gia tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn); đối với đơn hàng giao tháng 8, giá gạo vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5% tấm.
Giá lúa nội địa cũng tăng theo, tính đến ngày 27-7, giá lúa tăng khoảng từ 368 – 441 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá lúa tăng khoảng từ 1.300 – gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 – gần 3.400 đồng/kg.
Giá lúa tại ĐBSCL đăng tăng mạnh. Ảnh: Ngọc Trinh
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen);...
Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, cho hay giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng lại khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu do giá thu mua lúa trong nông dân tăng lên từng ngày.
"Vừa rồi giá lúa 6.500 đồng/kg nhưng mấy ngày nay tăng lên 7.400 đồng/kg, giá tăng mỗi ngày, mở mắt ra là tăng từ 300 đồng, 500 đồng/kg. Giá lúa lên không có điểm dừng nhưng chúng tôi ký hợp đồng với đối tác trước đó không thể nào xin tăng giá gạo lên, còn mua được lúa bắt buộc phải mua giá cao. Đề nghị cần có giá sàn và giãn thời gian xuất khẩu để doanh nghiệp có thời gian thu gom" - bà Huyền nói.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, nêu khó khăn khi giá lúa tăng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Tình hình sản xuất, tiêu thụ gạo toàn cầu đang diễn biến khó lường, hiện tượng El Nino… làm giá cả tăng mạnh. Đây là cơ hội và cũng là thách thức trong sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thời cơ giúp chúng ta xuất khẩu được nhiều hơn, bán được giá cao nhưng phải giữ vững an ninh lương thực và giữ thương hiệu gạo Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Bình luận (0)