Chiều 9-3, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai về tình hình chăn nuôi hiện nay và giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của Đông Nam Bộ, nơi cung cấp nguồn cung sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho thị trường TP HCM.
Khó khăn chồng chất
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, cho biết giá thành heo hơi trong nước hiện khoảng 55.000 đồng/kg, bằng giá thịt heo nhập khẩu đã pha lóc như cốt-lết, nạc vai... nên rất khó cạnh tranh.
Nhiều bếp ăn tập thể muốn mua thịt heo nóng để chế biến nhưng do giá tiền mỗi suất ăn rất thấp, có nơi chỉ 19.000 đồng/suất, nên phải dùng thịt đông lạnh chất lượng thấp hơn. "Chúng tôi mong nhà nước có giải pháp bảo vệ người chăn nuôi vì chi phí đầu tư hiện rất lớn" - bà Hương bày tỏ.
Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh, cho hay doanh nghiệp từng nuôi 3 triệu con gà nhưng nay giảm quy mô còn 200.000 con vì thua lỗ. Ông Tuấn phản ánh từ tháng 12-2022 đến nay, giá gà công nghiệp xuất chuồng luôn thấp hơn giá thành, chẳng hạn giá xuất chuồng hiện tại thấp hơn giá vốn khoảng 30%. Chưa kể, hầu hết người chăn nuôi không nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của ngân hàng khi nhiều ngân hàng không hoãn - giãn nợ, không cho vay lại... khiến họ gần như "chết đứng".
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán thấp hơn giá thành kéo dài, chi phí thức ăn chăn nuôi cao
Một khó khăn khác được ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nêu ra là các hội viên chăn nuôi bò vỗ béo bị vướng quy định về môi trường nên không tận dụng được phụ phẩm như vỏ mít, thanh long, vỏ ca cao...
"Việt Nam không có lợi thế về đồng cỏ nhưng có nhiều phụ phẩm. Vì chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc vận chuyển các loại phụ phẩm ra khỏi nhà máy chế biến nên chủ trại nuôi bò lúng túng" - ông Công chỉ ra.
Đặc biệt, lo lắng lớn nhất của cộng đồng chăn nuôi hiện nay là tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định di dời hơn 2.100 cơ sở chăn nuôi và buộc ngưng hoạt động khoảng 900 cơ sở chăn nuôi theo lộ trình trước ngày 31-12-2024.
Ông Nguyễn Trí Công cho biết sản lượng chăn nuôi của số trại thuộc diện di dời, ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh; trong đó có nhiều trang trại mới được cấp phép được đầu tư bài bản, vốn lớn. Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị chính quyền phân loại trang trại để có hướng giải quyết phù hợp, tránh gây thiệt hại cho chủ trang trại, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm.
Tìm hướng đi thích hợp
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN-PTNT, bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi. Theo ông, không riêng ở Việt Nam mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá heo hơi hồi tháng 10-2022 là 87.000 đồng/kg, nay còn 55.000-58.000 đồng/kg, dù nước này đã mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng 19 tháng qua. Do đó, hy vọng đến quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%.
Cũng theo ông Dương Tất Thắng, Việt Nam đã có nhiều mô hình chăn nuôi tốt, giúp giảm giá thành, có thể vận dụng. Ví dụ, mô hình chăn nuôi sử dụng ruồi lính đen để xử lý phân và cung cấp nguồn đạm động vật giá rẻ. Hay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tận dụng chuối loại sau xuất khẩu để làm thức ăn cho heo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến giải thích tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua đã khiến sức mua giảm sút. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023 và đây là động lực giúp phục hồi sức mua. "Trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm bắp và khoai mì tại Tây Nguyên để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu. Mới đây, Công ty CP Ba Huân đã xuất khẩu thành công trứng gà tươi sang Hồng Kông - Trung Quốc với khối lượng 1 container/tuần.
Liên quan quyết định di dời hoặc buộc ngưng hoạt động với hàng loạt trang trại chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý tỉnh Đồng Nai xem xét cụ thể từng trường hợp, nhất là những trang trại có giấy phép hoạt động còn hiệu lực; đồng thời, cần có lộ trình chuyển tiếp phù hợp. "Di dời, đóng cửa hơn 3.000 trang trại trong thời gian ngắn như vậy không phải chuyện đơn giản!" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Giảm giá, vẫn tiêu thụ chậm
Theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt heo tại kênh phân phối hiện đại đang giảm rất mạnh. Tuy vậy, đại diện một hệ thống bán lẻ cho hay dù giá giảm mạnh nhưng sản lượng tiêu thụ không tăng lên bao nhiêu.
"Việc giảm giá chủ yếu chỉ để giữ chân khách hàng. Rất khó kích cầu trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng thịt giảm" - đại diện chuỗi bán lẻ cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều điểm bán thịt heo tự phát không được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng với giá rất rẻ cũng khiến thịt heo ở các kênh khác giảm sức cạnh tranh.
Bình luận (0)