Đây là những ý kiến được đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng và các chuyên gia, đại diện các tỉnh, thành phố đưa ra tại hội nghị toàn quốc với chủ đề "Phát triển thủy điện nhỏ, vừa và năng lượng tái tạo" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng hiện nay, việc tìm ra những giải pháp tốt nhất cho phát triển nguồn điện ở Việt Nam khi tăng trưởng sử dụng điện ngày càng cao hiện là cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam không triển khai điện hạt nhân, nhiệt điện than bị phản đối gay gắt, các nguồn thủy điện lớn không còn.
Ông Ngãi cho biết theo quy hoạch ngành điện, đến năm 2020, Việt Nam phải đạt sản lượng 265 tỉ KWh, đến năm 2030 phải có 570 tỉ KWh. Điều đáng lo là hiện chúng ta mới có trên 170 tỉ KWh điện thương phẩm, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt... ngày càng cạn kiệt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ phải gấp rút tìm nguồn bổ sung 100 tỉ KWh điện trong 3 năm tới, nếu không thì sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu điện
Để cân đối mục tiêu trên, từ nay tới năm 2020 - trong vòng hơn 3 năm, Việt Nam phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng thiếu khoảng 100 tỉ KWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỉ KWh vào năm 2030. "Thời gian tới, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác như thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối một cách mạnh mẽ" - ông Ngãi đề xuất.
Theo ông Ngãi, tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa, tổng công suất sẽ đạt được 3.000-4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỉ KWh, góp thêm phần điện năng thiếu hụt mà Việt Nam dự kiến sẽ phải đối mặt trong những năm tới.
"Cần phải xem xét lại trong số các dự án thủy điện vừa hiện nay còn có khả năng đầu tư tiếp, có hiệu quả kinh tế, có công suất khá (trên 30 MW trở lên) thì nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng nhằm cung cấp điện cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, khi cấp phép cho các dự án này phải đi kèm điều kiện bảo đảm quy trình lập đề án, tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng đồng thời cần phải có quy trình chặt chẽ trong vận hành hồ chứa…" - ông Ngãi nêu quan điểm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, ông Man Ngọc Lý, việc gỡ rào cản để phát triển thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo sẽ là nhiệm vụ cấp bách để thúc đẩy phát triển nguồn điện ở Việt Nam thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, ông Phạm Trọng Thực, đánh giá cao việc các chủ đầu tư thời gian qua đã nỗ lực triển khai áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát các hồ thủy điện như: xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; tuân thủ quy định về an toàn hồ đập dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng; lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ, cảnh báo hạ du...
Theo ông Thực, trong tương lai, việc phát triển các nguồn thủy điện nhỏ vẫn phải xem xét thực hiện. Thực tế hiện nay cho thấy năng lượng tái tạo chỉ là nguồn cung cấp thêm chứ không thể thay thế được các nguồn phát điện khác như thủy điện, nhiệt điện. "Điện mặt trời, điện gió được coi là nguồn năng lượng sạch nhưng có điểm yếu là khi không có nắng, không có gió thì lại phải dùng năng lượng dự trữ để phát điện. Chưa kể, với giá điện năng lượng tái tạo cao như hiện nay, trung bình trên 2.000 đồng/KWh và Chính phủ phải bù lỗ, sẽ cần thêm nhiều cơ chế để gỡ khó cho phát triển năng lượng tái tạo" - ông Thực nhìn nhận.
Thủy điện nhỏ và vừa là nguồn tài nguyên quý của đất nước, nếu bỏ qua thì vô cùng lãng phí" - ông Trần Viết Ngãi nhận xét.
Bình luận (0)