Liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn, ngày 1-3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để nghe báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra về sai phạm CPH tại đơn vị này.
Khẩn trương tiếp nhận cổ phần
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sớm khẩn trương tiếp nhận, quản lý đối với 75% cổ phần cảng Quy Nhơn theo đúng quy định. Ngoài ra, các bộ ngành tập trung xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm khẩn trương, minh bạch và đúng quy định.
75% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn sẽ sớm được thu hồi cho nhà nước Ảnh: Anh Tú
Theo ông Lam, với vai trò là cơ quan theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, TTCP đã tổng hợp một số nội dung liên quan đến vụ việc CPH cảng Quy Nhơn. Cụ thể, Bộ GTVT đã thu hồi 2 văn bản trước đây có nội dung không đúng với quy định nhà nước về CPH cảng Quy Nhơn. Ngoài ra, bộ cũng đã chỉ đạo Vinalines trực tiếp làm việc với đại diện cổ đông tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. "Các bên đã cơ bản thống nhất tiến hành các thủ tục chuyển giao lại hơn 75% cổ phần trước đây nhà nước thoái và thu hồi về cho nhà nước. Vinalines đã chuẩn bị tài chính, sẵn sàng thanh toán các khoản tiền mà cổ đông đã trả. Đồng thời, Bộ GTVT đã cùng Vinalines chuẩn bị các thủ tục pháp lý đăng ký lại số cổ phần và chuyển sang nhà nước nắm giữ" - ông Lam cho hay.
Cố gắng thu hồi vốn đầu tư thua lỗ tại Lào
Liên quan đến dự án khai thác muối mỏ thua lỗ tại Lào do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng dự án đã dừng từ năm 2017 sau gần 2 năm khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. "Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy hiệu quả dự án không được như tính toán nghiên cứu khả thi ban đầu. Việc dừng dự án này thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị hai nước" - Thứ trưởng Hải nói.
Theo ông Hải, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Vinachem thu hồi số tiền đầu tư tại dự án. "Mục tiêu là thu hồi được cao nhất số tiền đã rót vào dự án này, kể cả tìm cách bán dự án nếu được" - ông Hải nhấn mạnh. Song song đó, bộ và Vinachem cũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và trình cấp có thẩm quyền.
Giá lúa gạo đã tăng
Về vấn đề giá lúa gạo trong nước có nhiều biến động thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, các bộ, ngành đã họp bàn rất nhiều và đến trực tiếp các địa phương để tìm phương án giải quyết. Biện pháp đầu tiên được đưa ra là đề xuất tạm trữ lúa, gạo cũng như thu mua, tạm trữ cho người dân. "Với giải pháp này, trong những ngày gần đây giá lúa và gạo đã tăng lên một mức đáng khích lệ" - ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài vẫn là bài toán cung - cầu, tức cần gắn sản xuất với tiêu thụ. "Nếu cứ tiếp tục sản xuất, sau đó mới tìm thị trường hay "giải cứu" như chúng ta thường làm thì không phải giải pháp lâu dài. Điều này cần sự điều hành chung của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương mới có thể giải quyết hiệu quả" - ông Hải đề xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá sau khi Thủ tướng chỉ đạo thu mua 200.000 tấn gạo, cùng với thông tin Trung Quốc mua 100.000 tấn gạo, giá lúa gạo ở ĐBSCL đã có diễn biến tích cực, tăng liên tục.
FLC đề xuất xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong tháng 2, bộ đã nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC đề xuất được đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đề nghị được đầu tư nhà ga T3.
Theo ông Đông, trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện ACV chỉ mới nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi, còn FLC mới đề nghị, chưa có nghiên cứu cụ thể.
Bình luận (0)