Chiều 27-12, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Tính chung năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%). "Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam"- bà Hương nhấn mạnh.
GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Phân tích của cơ quan thống kê cho thấy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, là bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới và đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
"Chất lượng dân số ngày một nâng lên, tuổi thọ trung bình tăng cao, tỷ lệ tử vong duy trì ở mức thấp. Tình hình lao động, việc làm những tháng cuối năm đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện"- báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 543,9 tỉ USD , tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD , tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỉ USD , tăng 3,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD , mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,1% so với tháng trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. Tính chung quý IV, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019.
Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Trong năm qua, cả nước có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỷ đồng , giảm 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và gần 37.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2020:
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 2,91%
– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 3,4%
– Số doanh nghiệp thành lập mới: 134.940 doanh nghiệp
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 2,6%
– Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: + 5,7%
– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 6,5%
– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 3,6%
– Xuất siêu: 19,1 tỉ USD
– Khách quốc tế đến Việt Nam: -78,7%
– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,23%
– Lạm phát cơ bản: + 2,31%
Bình luận (0)