xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá cả sau Tết dễ chịu

Bài và ảnh: Phương An

Giá hàng hóa không tăng mạnh được lý giải là nhờ lượng cung ứng lớn cộng với sự chi phối của chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại

Nếu trước đây, mùng 1 Tết là ngày duy nhất trong năm các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đồng loạt đóng cửa thì năm nay, một số nơi vẫn hoạt động.

Mở cửa sớm, giảm giá

Mùng 1 Tết, một số siêu thị thuộc Aeon Mall, Lotte Mart vẫn mở cửa hoạt động. Tận dụng thời điểm ít người buôn bán, tiểu thương bán rau củ, thịt gà, thủy sản tươi sống ở một số chợ dọn hàng bán như ngày thường. Hai ngày mùng 4 và mùng 5, trong khi nhiều trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa trở lại, phần lớn tiểu thương tại các chợ vẫn còn nghỉ Tết. Tại một số siêu thị, trung tâm thương mại có tích hợp khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim và khu vực ẩm thực như Emart, Aeon, Lotte Mart, SG Vivo City…, lượng khách đến khá đông. Các siêu thị tổng hợp, cửa hàng thuộc hệ thống Big C, Co.opmart, Co.op Food, Satra Foods… đã bán hàng trở lại song nhiều kệ hàng còn trống do nhà cung cấp trong nước còn nghỉ Tết.

Mặt hàng thực phẩm tươi sống tiêu thụ tốt trong những ngày đầu năm
Mặt hàng thực phẩm tươi sống tiêu thụ tốt trong những ngày đầu năm

Không bỏ lỡ dịp kinh doanh đầu năm, các hệ thống bán lẻ hiện đại triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà cho khách hàng. Có nơi giảm giá đến 50% cho nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em, giảm 10%-20% cho một số mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Chưa có thống kê chính thức về doanh số dịp Tết nhưng theo các hệ thống bán lẻ, sức mua năm nay tăng tốt hơn năm 2016, đạt hoặc vượt kế hoạch của các đơn vị.

Mức giá tăng thấp hơn mọi năm

Trước Tết hơn 1 tháng, giá rau củ tăng đột biến do các vùng trồng rau ở Lâm Đồng, miền Trung bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. Do lo ngại giá mặt hàng này sẽ tăng cao dịp Tết nên những đơn vị kinh doanh ở TP HCM đã chuẩn bị các phương án tăng nguồn cung ứng. Nhờ vậy, trong cao điểm trước và sau Tết, giá rau củ, trái cây ở các siêu thị luôn ổn định.

Theo các chợ đầu mối ở TP HCM, sau Tết, lượng hàng về chợ tăng trở lại nhưng vẫn thấp so với ngày thường. Tổng lượng hàng về 3 chợ đầu mối trong đêm mùng 2, sáng mùng 3 Tết đạt 2.108 tấn, tăng 8,6% so với đêm trước nhưng chỉ bằng 10%-12% so với cao điểm trước Tết (14.000-15.000 tấn); hoạt động mua bán chưa đông đúc vì nhiều nhà vườn còn nghỉ Tết, chưa thu hoạch.

So với Tết năm trước, các bà nội trợ cho biết năm nay, giá hàng hóa tại các chợ có tăng nhưng ở mức chấp nhận được ngoại trừ giá các loại hoa và trái cây chưng Tết như lily, cúc, vạn thọ, cẩm chướng, xoài cát Hòa Lộc, bưởi… tăng khá cao. Ngày 29 và 30 tháng chạp, hoa lily loại 1 lên đến 350.000-400.000 đồng/bó, huệ trắng 120.000-170.000 đồng/chục, cúc chén 70.000 đồng/bó, cúc thường 22.000-25.000 đồng/bó, xoài cát Hòa Lộc 180.000-200.000 đồng/kg, bưởi da xanh 70.000-90.000 đồng/kg… Còn lại, giá hầu hết các loại rau củ, trái cây đều tăng thấp hơn mọi năm. Riêng thịt heo, giá được giữ ở mức thấp.

Nguyên nhân giá cả không tăng mạnh được lý giải là nhờ lượng hàng hóa cung ứng lớn cộng với sự chi phối của chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại. Chợ lẻ không còn nhiều lợi thế cạnh tranh nên phải thay đổi cách bán hàng, giữ giá để giữ khách.

Hà Nội: Giá hải sản ở mức cao

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội ngày 1-2, giá rau, hoa, trái cây gần như không tăng nhiều so với trước Tết.

Cụ thể, chợ “cóc” (nhỏ, tự phát) trong phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy), hoa hồng có giá từ 3.000-4.000 đồng/bông, giảm mạnh so với mức 25.000 đồng/bông trước Tết. Giá thịt bò tại đây tăng nhẹ, lên mức 300.000 đồng/kg; giá nhiều loại rau như cần, cải cúc, cải ngọt… vẫn ổn định như ngày thường.

Chợ Kim Giang (quận Thanh Xuân) vẫn khá thưa thớt do nhiều tiểu thương còn nghỉ Tết. Một số quầy thịt heo đã mở bán và giữ giá như ngày thường song vẫn rất ít người mua. Các loại rau có phần đắt hàng, nhất là hành, mùi tàu, húng thơm, ớt, tỏi… và các loại rau ăn lẩu do giá khá rẻ.

Giá hải sản vẫn khá cao. Giá tôm sú tại chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng) 550.000 đồng/kg, tôm đất loại nhỏ 350.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường khoảng 100.000-120.000 đồng/kg. Các loại cá được mua khá nhiều nên giá tăng đáng kể.

Nhiều cửa hàng ăn, quán cà phê đã mở cửa trở lại như ngày thường và giá không tăng nhiều.

T.Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo