Sáng 5-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và được Chính phủ chấp thuận. Theo phương án này, từ cuối tháng 3, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến tăng từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh (tăng 8,36%).
Chi phí sản xuất điện tăng cao
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Từ năm 2010 tới nay đã có 7 đợt tăng giá điện và lần gần nhất vào cuối năm 2017. "Việc không điều chỉnh giá điện trong năm 2018 đã góp phần kiềm chế lạm phát (CPI) ở mức 3,54% và tăng GDP 7,08%" - ông Vượng nói và khẳng định phương án giá điện đã được tính toán để bảo đảm việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP.
Đại diện Bộ Công Thương lý giải thêm hiện mức tiêu thụ tăng 10%, trong khi các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than. Ngoài ra, các tác động từ phí bảo vệ môi trường, tỉ giá… đã làm EVN tăng chi phí hàng ngàn tỉ đồng.
Bộ Công Thương cho rằng phương án giá điện năm 2019 đã bao gồm các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện. Cụ thể, giá than nội địa điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5% khiến chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỉ đồng. Giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16-1-2019 có giá cao hơn giá than nội địa làm tăng chi phí mua điện khoảng 1.921 tỉ đồng. Thuế bảo vệ môi trường đối với than và xăng dầu tăng cũng làm tăng chi phí mua điện khoảng 450 tỉ đồng.
Trong kịch bản điều hành giá điện năm 2019, Bộ Công Thương cho biết sẽ tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, cơ quan này tiếp tục duy trì việc hỗ trợ các đối tượng này với mức 30 KWh/hộ/tháng.
Người dân làm thủ tục lắp điện kế điện tử ở Công ty Điện lực Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH
Tăng mức nào là hợp lý?
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,22% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,29%.
Về số liệu trên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định cần có cơ quan kiểm tra độc lập thẩm định thì mới tăng tính xác thực. "Những con số này có thể các cơ quan liên quan đưa ra để Chính phủ yên tâm. Đây là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng" - ông Ngô Trí Long nói và lưu ý việc tăng giá điện sẽ đặt ra những thách thức cho kiểm soát lạm phát năm 2019.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định giá cả mặt hàng nào tăng cũng ảnh hưởng đến CPI, GDP. Về lâu dài cần có tài chính đủ mạnh để đầu tư vào các dự án điện, từ đó phát triển các ngành kinh tế khác. "Nếu không có điện thì ảnh hưởng của nó còn lớn hơn việc tăng giá điện. Tăng giá điện làm GDP giảm 0,22% nhưng nếu không có điện thì có khi giảm mấy phần trăm. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc để có ngành điện ổn định" - ông Vượng lý giải.
Về việc giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, theo chuyên gia Ngô Trí Long, Bộ Công Thương "đã tính toán kỹ" nhưng cần có thẩm định, kiểm tra để tăng sức thuyết phục. "Liệu những chi phí sản xuất được tính toán vào để làm cơ sở tăng giá đã hợp lý chưa? Chi phí phát sinh do năng suất lao động thấp, các chi phí chủ quan khác phải được loại bỏ khi tính toán giá thành. "Nhà đèn" luôn khẳng định chi phí sản xuất tăng nhưng tăng cụ thể như thế nào có được làm rõ, minh bạch hay không" - PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng phải nhìn 2 mặt của vấn đề. Một mặt, việc tăng giá điện sẽ giúp ngành điện bù đắp chi phí, có nguồn lực tái đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất và cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất. Việc "kìm" trong thời gian quá lâu không tăng giá cũng sẽ gây ra những tiêu cực, khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp khó khăn. Tuy nhiên, mức tăng cần phải hợp lý.
Mặt khác, giá điện tăng sẽ tác động đến người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí sản xuất, gây áp lực lên giá thành sản phẩm. "Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chúng ta chưa cao, nếu tăng giá điện ở mức không hợp lý thì tạo gánh nặng lên chi phí đầu vào, đặc biệt là đối với các ngành trực tiếp sử dụng điện lớn như sắt, thép, xi-măng…" - ông Ngô Trí Long cảnh báo.
Doanh nghiệp lo chi phí sản xuất tăng
Trước thông tin tăng giá điện từ cuối tháng 3, ông Đinh Văn Tú, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Hà Nội, cũng lo ngại về việc sẽ đội chi phí sản xuất trong khi giá bán sản phẩm không dễ tăng bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. "Hầu hết máy móc sản xuất đồ gỗ đều sử dụng điện rất nhiều, chi phí hằng tháng là không hề nhỏ. Với mức tăng này, chúng tôi lại phải "thắt lưng buộc bụng" để giảm chi phí khác" - ông Tú lo lắng.
Về lo ngại này, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ đánh giá ảnh hưởng đến các ngành nghề sản xuất tiêu thụ điện lớn, từ đó đề xuất Chính phủ để điều chỉnh giá điện với mức phù hợp.
Bình luận (0)