Ngày 9-11, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân thêm 4,5% lên 2.006 đồng/kWh. Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%.
Theo Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), đợt tăng giá lần này sẽ làm giảm áp lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tuy nhiên mức tăng này chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong 2023. Uớc tính chi phí sản xuất điện bình quân sẽ vào khoảng 2.098 đồng/kWh cho năm nay, cao hơn 92 đồng/kWh so với mức giá bán lẻ sau đợt tăng này.
Ảnh minh họa
MBS nhận thấy xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp (DN) điện bắt đầu từ 2022. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nổi bật trên sàn ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW), Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP), Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND), Tổng Công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán: PGV).
Những doanh nghiệp trên đều ghi nhận tỉ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành. Việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỉ đồng doanh thu cho năm 2024, qua đó cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện này.
Ngoài ra, MBS cho rằng khi tài chính EVN được cải thiện, doanh thu và back-log ký mới (giá trị hợp đồng ký mới luỹ kế) của nhóm xây lắp điện sẽ hưởng lợi từ tình hình đầu tư các dự án nguồn, lưới điện được phục hồi. Cụ thể là Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (mã chứng khoán: VNE), Công ty CP Tập Đoàn PC1 (mã chứng khoán: PC1), Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán: TV2).
Ngược lại, việc tăng giá điện lại khiến một số nhóm ngành bị ảnh hưởng khá nhiều khi chi phí điện năng chiếm từ 10% đến 15% trong chi phí sản xuất như ngành sắt thép, xi măng, hóa chất.
Theo Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSI), việc tăng giá điện sẽ giúp tài chính của EVN được cải thiện, từ đó đẩy nhanh thực hiện các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện. Bên cạnh đó, tăng giá bán lẻ điện bình quân không tác động trực tiếp tới các DN sản xuất điện mà sẽ gián tiếp giảm rủi ro công nợ.
BSI cho biết hệ thống điện ở miền Bắc có thể dễ bị tổn thương trong giai đoạn El Nino. Dự án đường dây 500kv mạch số 3 Quảng Trạch-Phố Nối sẽ giúp miền Bắc giải bài toán này trong thời gian tới, kỳ vọng TV2, PC1 sẽ có nhiều công việc hơn.
Kể từ ngày 9-11 đến nay, cổ phiếu POW đã tăng liên tục 3 phiên liên tiếp, từ 11.500 đồng lên 11.900 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 3,5%), cổ phiếu PGV tăng 2,5%,... Qua đó, nhóm xây lắp như cổ phiếu VNE tăng mạnh 15%, cổ phiếu PC1 tăng gần 1,4%...
Bình luận (0)