Ngày 30-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Phải giảm giá khi có điều kiện
Quyết định 24 nêu rõ hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Về mức điều chỉnh cụ thể, Quyết định 24 cho phép trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Quyết định mới quy định EVN phải giảm giá bán điện khi có điều kiện. Trong ảnh: Khách hàng làm thủ tục gắn điện kế ở TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định cũng nêu rõ trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tăng 1% cũng phải báo cáo
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trước đó, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg có quy định chặt chẽ hơn khi các thông số đầu vào cấu thành giá điện tăng 7% thì mới được phép tăng giá điện và phải báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét quyết định tùy mức độ. Như vậy, với các quy định tại quyết định mới nhất này, "nhà đèn" được cho là có thể thoải mái tăng giá điện trong phạm vi dưới 5% mà không cần xin phép các cơ quan chức năng.
Song thực tế, theo đại diện ngành điện, quy định nới rộng này chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, còn trong điều hành thực tế thì ngành điện hoàn toàn không được tự ý. "Trong thực tế, dù tăng giá ở bất cứ mức nào, dù chỉ 1%, EVN đều phải báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền vì biến động giá điện ảnh hưởng đến nền kinh tế. Còn về thủ tục chính thức thì đúng là EVN không phải trình, chờ phê duyệt nhưng đằng sau vẫn là sự kiểm soát từ các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư" - đại diện EVN nhìn nhận.
Một điểm đáng lưu ý khác trong quyết định lần này là biên độ điều chỉnh giá điện được chia nhỏ hơn. Với Quyết định 24, chỉ cần biến động giá 3% là EVN đã có thể đề xuất điều chỉnh giá điện, trong khi trước đây, biến động thông số đầu vào lên đến 7%, ngành điện mới được nghĩ đến điều chỉnh giá. "Biên độ nhỏ đưa giá điện gần về với thị trường hơn, như mặt hàng xăng dầu chẳng hạn. Nhưng với việc kiểm soát giá điện như hiện nay thì việc đưa giá điện về gần với thị trường vẫn chỉ là hình thức" - đại diện EVN nhận xét.
Vị đại diện EVN này cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh giá của EVN luôn được các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ từ chi phí đầu vào có được tính đúng, hợp lý để tăng giá không, ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế.
Bình luận (0)