Hằng năm, từ thời điểm này cho đến hết tháng 3 âm lịch, nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai… bước vào vụ thu hoạch điều. Không như nhiều năm trước, giá hạt điều năm nay khá cao, thương lái thu mua tận vườn đến 32.000 đồng/kg điều tươi. Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực này, giá điều năm nay tăng là do giá thế giới nhích lên, hạt điều trong nước có chất lượng vượt trội.
Người trồng phấn khởi
Với gần 60% diện tích là đất bazan, tỉnh Bình Phước rất thuận lợi phát triển cây điều. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, cây điều trồng ở đây chiếm gần 50% diện tích và hơn 40% sản lượng của cả nước. Ngoài Bình Phước; các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai… cũng có diện tích trồng điều khá lớn.
Từ giữa tháng 2-2016, giá điều tươi mua tại vườn ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng lên 31.000-32.500 đồng/kg, tại đại lý khoảng 32.000-33.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá điều tươi cao nhất trong 10 năm qua.
Ông Trần Văn Khánh (ngụ xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), canh tác gần 3 ha điều, cho biết: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vườn điều sai trái, hạt tốt. Ước tính, cuối vụ thu hoạch hơn 6 tấn. Với giá trung bình 30.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi trên 150 triệu đồng”.
Chị Hoàng Quyên, đại diện Công ty TNHH Minh Tùng Phát (chuyên thu mua nông sản ở huyện Bù Đăng), thừa nhận: “Năm nay, do thị trường hút hàng, tư thương phải tranh nhau thu mua điều. Chúng tôi thuê nhân công thu mua tận vườn với giá 31.000 đồng/kg còn nông dân mang điều đến công ty bán thì mua 32.500 đồng/kg. Sau khi phơi khô, chúng tôi bán lại cho nhà máy với giá 38.000 đồng/kg”.
Theo nhiều nông dân ở Bình Phước, cách đây 2 năm, giá điều chỉ quanh quẩn 18.000-22.000 đồng/kg. Sau đó, giá có nhích lên một ít nhưng người trồng điều vẫn không có lãi. Với giá như hiện nay, trung bình mỗi ha điều cho thu nhập từ 90-110 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi 70-85 triệu đồng/vụ.
Ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên - bày tỏ: “Giá điều cao, bà con phấn khởi, chúng tôi cũng vui lây. Nếu qua rằm tháng giêng có mưa thì điều sẽ ra bông nhiều hơn, lãi cũng sẽ cao hơn”.
Cây xóa đói giảm nghèo
Dù vậy, từ nhiều năm qua, giá điều vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tư thương. Do không có điều kiện bảo quản, người trồng thường bán hạt tại vườn cho thương lái nên rất dễ bị ép giá. Bên cạnh đó, do chưa liên kết được giữa sản xuất, thu mua và chế biến nên quyền lợi người trồng điều không được bảo đảm.
Khi cây điều mang lại hiệu quả cao, các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai mới có những giải pháp trước mắt và lâu dài để người trồng yên tâm sản xuất, như hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con cải tạo giống, cắt ghép cành, ghép giống điều phù hợp với thổ nhưỡng để có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ông Trần Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, đánh giá: “So với các cây trồng khác trên địa bàn, cây điều cho thu nhập ổn định. Do dễ trồng, cây điều giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. Nhờ giá điều năm nay cao nên nhiều hộ trồng mạnh dạn bón phân, xịt thuốc nên năng suất điều năm nay dự đoán cao hơn 20% so với vụ trước”.
Chất lượng vượt trội
Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều. Sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất, chế biến, còn lại phải nhập từ nước ngoài. Dù giá nhập từ Ấn Độ và các nước châu Phi thấp hơn nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn chuộng hạt điều trong nước, nhất là của Bình Phước, do chất lượng vượt trội, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ.
Bình luận (0)